Thông tin tại cuộc họp cho thấy, nguy cơ thiếu điện tại miền Nam vào những năm 2018-2019 là rất cao. Nếu không có giải pháp cụ thể để khắc phục thì chắc chắn tình trạng thiếu điện sẽ rất nghiêm trọng.

Theo đó, do yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước, nhu cầu điện tăng rất mạnh, khoảng 11%/năm. Nhu cầu của cả nước năm 2016 là khoảng 180 tỷ kWh, công suất nguồn khoảng 45.000MW. Theo quy hoạch, đến năm 2020, công suất nguồn khoảng 60.000MW, năm 2025 là 96.000MW.

Về cơ cấu sử dụng điện ở các khu vực, miền Bắc năm 2016 có nhu cầu sử dụng 78 tỷ kWh, chiếm 43% tổng nhu cầu phụ tải của cả nước. Công suất đặt máy là 22.000MW, chiếm 52% công suất. Tại miền Trung, nhu cầu phụ tải năm 2016 là 16 tỷ kWh, chiếm 9,1% tổng nhu cầu, công suất nguồn đạt 7.600MW, chiếm 15% tổng công suất nguồn.

Hai khu vực miền Bắc, miền Trung đang thừa điện, trong khi đó, tình hình cung ứng điện tại miền Nam gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu phụ tải năm 2016 là 87 tỷ kWh, chiếm khoảng 48% cả nước. Tuy nhiên, công suất nguồn chỉ đạt 1.600MW, chiếm khoảng 35% tổng công suất nguồn.

Để giải quyết nhu cầu điện cho miền Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các nhà máy nguồn điện, đặc biệt các nhà máy ở phía Nam, cùng với đó là nâng cấp các dự án truyền tải là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 và những năm tiếp theo.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để có thể đáp ứng yêu cầu điện đến năm 2030, riêng khu vực Tây Nam Bộ phải đầu tư 16 dự án nhiệt điện, cùng với đó phải đầu tư các dự án điện tái tạo (gió, mặt trời), mua thêm điện của nước ngoài. Việc phát triển nhiệt điện cũng đặt ra nhu cầu rất lớn là phải xây dựng các cảng, kho để cung cấp than, khí cho các nhà máy.

QUANG PHƯƠNG