QĐND Online – Ngày 12-6, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn. Ba vị Tư lệnh ngành Công thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo đã giải đáp nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra. Báo QĐND Online xin gửi tới bạn đọc một số ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội về phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng…

 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh):

 

Giải pháp Bộ trưởng đưa ra cần có thời gian cụ thể

Tôi muốn các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn, giải pháp đưa ra phải có thời gian cụ thể, một năm hay hai năm. Sau một, hai năm đó phải có kiểm chứng, thực hiện được bao nhiêu, còn bao nhiêu không thực hiện, có lý do gì, chủ quan hay khách quan…. Chứ cứ nói hứa "sẽ khắc phục", "sẽ tiếp thu", thế thì chừng nào làm và có ai đánh giá không? Có tiêu chí nào để đánh giá thời gian khắc phục đó không? Cho nên tôi chưa thực sự hài lòng trả lời của Bộ trưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh).

Câu hỏi mà Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời tôi liên quan tới thương lái Trung Quốc, tôi thực sự không hài lòng.

Người đi mua, đúng như Bộ trưởng nói, không phải người Trung Quốc. Người Trung Quốc không trực tiếp đi mua, mà phải qua trung gian là người Việt Nam. Khi chúng tôi hỏi người mua là mua làm gì, họ nói chúng tôi chỉ biết mua để bán lấy lời thôi, còn họ làm gì chúng tôi không biết.

Bộ trưởng hôm qua nói thương lái mua gom cau non về làm thuốc, tôi không đồng ý. Vừa rồi tôi có hỏi lại Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, Sở nói đã báo cáo Bộ Công thương rõ ràng, là không biết họ mua để làm gì. Tôi còn muốn hỏi Bộ trưởng là ai trả lời là mua để làm thuốc, tôi đi kiểm chứng luôn, nhưng thời gian không có, phải dành cho đại biểu khác, nếu không tôi sẽ tiếp tục truy đến cùng.

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình):

 

Muốn Bộ trưởng phân tích rõ hơn thực trạng

Nói tôi hài lòng hoàn toàn chưa về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân chưa thì chưa hẳn. Tôi rất muốn trong trả lời của Bộ trưởng phân tích rõ hơn thực trạng đề tài “xếp ngăn kéo”. Bộ trưởng có nói đến 3 loại đề tài “xếp ngăn kéo”. Đó là những nghiên cứu cơ bản và những nghiên cứu cơ bản đó phải có thời gian dài, có thể rất nhiều năm sau mới ứng dụng thực tế. Loại thứ hai là loại nghiên cứu ứng dụng “xếp ngăn kéo” do chưa có điều kiện để áp dụng và cũng cần chờ có thời gian, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện thực hiện. Loại thứ ba là “xếp ngăn kéo” thực sự.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình).

Nhưng tôi muốn biết ở đây là tỷ lệ cụ thể của các loại đề tài này như thế nào. Bao nhiêu loại đề tài “xếp ngăn kéo” một cách thực sự, tỷ lệ % so với tổng số các loại đề tài như thế nào. Để từ đó chúng ta mới có tính toán được sự lãng phí thực sự trong nghiên cứu khoa học công nghệ hiện nay.

 


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng):

 

Giải thích của Bộ trưởng chưa thật sự thuyết phục

Dù thông cảm với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) nhưng cách giải thích của Bộ trưởng về đề tài “xếp ngăn kéo” chưa thật thuyết phục. Đồng tình và chia sẻ với Bộ trưởng là hiện chúng ta còn nhiều khó khăn về chính sách, trang thiết bị nghiên cứu KHCN, mạng lưới tuyên truyền, dịch vụ để các ứng dụng KHCN đến với DN, cuộc sống.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng).

KHCN phải luôn đi đầu. Như Bộ trưởng nói còn nhiều tồn tại lắm, lúc nói không có kinh phí nên không phát triển được nhưng khi có kinh phí thì lại không tiêu hết, rồi lại nói thiếu chính sách. Hiện có khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản mà lại “xếp ngăn kéo”. Sau khi Bộ trưởng trả lời, tôi định bấm nút hỏi Bộ trưởng cho rõ thêm: Chúng ta có cần khoa học “xếp ngăn kéo” hay không. Ngoài ra, chúng ta đã “xếp ngăn kéo” rồi thì khi cần có rút ra được để cạnh tranh với các nước hay không?

Phải nhìn vào thực tế nguồn lực chúng ta có tới đâu thì tập trung phát triển KHCN lĩnh vực gì để giảm thiểu đề tài “xếp ngăn kéo”, chứ không thể có tiền ngân sách rồi đầu tư tràn lan rồi lại cất đấy thì quá lãng phí.

Tôi lấy làm lạ là những máy móc có ứng dụng thiết thực tới đời sống người dân như máy bóc hành, bóc tỏi, tách ngô…. không phải do những người làm công tác khoa học phát minh ra mà lại do chính những người nông dân chế tạo ra. Về điểm này chúng ta phải lưu ý, các nhà khoa học nghiên cứu gì thì nghiên cứu cần phải đi sát thực tế, mang tính ứng dụng cao chứ không phải nghiên cứu ra thứ cao siêu nhưng rồi để đấy, “xếp ngăn kéo” từ năm này qua năm khác mà không biết tới bao giờ mới có thể rút ra để dùng….

 


Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh):

 

Bộ trưởng trả lời khá rõ ràng

Ngành Giáo dục - Đào tạo lâu nay vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt không phải chỉ của các đại biểu Quốc hội mà cả của cử tri. Theo tôi, giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến cả gia đình và xã hội. Trong phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trả lời khá rõ ràng những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Tôi nghĩ rằng, ngành Giáo dục - đào tạo rất rộng, bao gồm từ hệ mẫu giáo, cho đến các bậc phổ thông, trung học và đại học.

 

Tôi kỳ vọng Bộ trưởng với tư cách là Tư lệnh ngành tiếp tục có những giải pháp, biện pháp đưa giáo dục - đào tạo nước nhà phát triển mạnh mẽ, bền vững, làm sao để vấn đề giáo dục phải được hỗ trợ, xã hội hóa ngay cả từ phía gia đình và xã hội. Tức là, có sự tham gia của gia đình, các tổ chức chính trị xã hội, cùng với ngành giáo dục. Khi đó, mới đảm bảo được sự phát triển giáo dục một cách toàn diện, nhất là vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn”, gắn đạo đức học đường với công tác đào tạo trí lực, thể lực và tài lực. 

XUÂN DŨNG (lược ghi)