QĐND - Công tác phòng, chống tham nhũng, thực trạng nợ công, xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế tư nhân, xử lý vụ "lấp sông Đồng Nai"… đang là những vấn đề “nóng” của xã hội, đồng thời là băn khoăn lo lắng của cử tri cả nước. Các vấn đề trên đã được các đại biểu Quốc hội chất vấn và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp trong phiên họp của Quốc hội sáng 13-6. 
Tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp

Sáng 13-6, thực hiện phân công của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành của Chính phủ mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm (toàn văn Báo cáo đăng trên số báo hôm nay). Tiếp đó, đồng chí Phó thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nội dung trả lời đầu tiên của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là câu hỏi của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) liên quan đến kết quả và biện pháp đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ để đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Phó thủ tướng cho biết, vấn đề tham nhũng trong thời gian qua đã được triển khai quyết liệt trên nhiều mặt, đạt được một số thành quả tích cực, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp

Cụ thể trong năm 2014, đã điều tra, khám phá, xử lý 256 vụ việc liên quan đến tham nhũng với 593 bị can, tăng 25 vụ, 25 bị can so với năm trước. Về tài sản thu hồi năm 2013 đạt mới hơn 10%; năm 2014 với nhiều vụ án lớn đạt hơn 22%.

Về giải pháp chống tham nhũng trong thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục xây dựng thể chế phòng, chống tham nhũng; điều tra, truy tố, thanh tra, kiểm toán, xét xử nghiêm các trường hợp tham nhũng được phát hiện; đặc biệt là xây dựng thể chế để làm sao không thể, không nên và không dám tham nhũng; tuyên truyền vận động nhân dân, hợp tác quốc tế và quan trọng là phát huy vai trò các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc trong phát hiện các hành vi tham nhũng.

Trước câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về giải pháp của Chính phủ đối với một bộ phận công chức có hành vi nhũng nhiễu, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc một bộ phận cán bộ, công chức có biểu hiện xa dân, quan liêu là vấn đề liên quan đến đạo đức công vụ. Quốc hội đã có Luật Công chức, Luật Viên chức, Chính phủ đã ban hành 18 nghị định hướng dẫn về vấn đề này và sắp tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới chế độ đạo đức công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế và đặc biệt là tổ chức thi tuyển để tìm cán bộ tốt phục vụ nhân dân; đi liền với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá, bình chọn kịp thời để đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy, làm trong sạch đội ngũ phục vụ nhân dân.

Kiểm soát chặt chẽ nợ công

Chất vấn Phó thủ tướng về giải pháp của Chính phủ quản lý nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là nỗi lo ngại của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Giải đáp câu hỏi này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, điều quan trọng nhất trong quản lý nợ công là khả năng vay và trả nợ như thế nào. Ở Việt Nam, do nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng, nên tỷ lệ tăng nợ công cao hơn mức tăng trưởng GDP. Đến nay, nợ công của nước ta ở mức 62% GDP, trong khi giới hạn là 65% nên Chính phủ rất thận trọng trong các khoản vay. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị với một số biện pháp bảo đảm nợ công như tăng cường quản lý chi tiêu công, tăng vay dài hạn, tăng vay trong nước, vay ODA ngoài nước với lãi suất thấp; quản lý chặt các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ; thu đủ nợ. Điều quan trọng nữa là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư để kiềm chế nợ công.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) về xã hội hóa công trình, kết cấu hạ tầng giao thông có phải là tư nhân hóa công trình giao thông không? Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Xã hội hóa hạ tầng không phải là tư nhân hóa vì chúng ta không buông lỏng quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Cụ thể như vấn đề chất lượng dịch vụ, vấn đề thu phí phục vụ nhân dân, quản lý đất đai đều do Nhà nước quản lý, sao cho bảo đảm lợi ích 3 bên: Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân cùng có lợi. Đơn vị xây dựng sẽ thu phí để hoàn vốn một thời gian rồi giao lại cho Nhà nước sử dụng.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình nêu câu hỏi về các biện pháp để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Phó thủ tướng cho rằng, nhóm kinh tế tư nhân có vai trò to lớn trong nền kinh tế. Từ khi có Luật Doanh nghiệp 2005 đến nay, khu vực này phát triển vượt bậc với gần 500 ngàn doanh nghiệp và hơn 4 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp. Song tình hình chung các doanh nghiệp ở tình trạng còn đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, nhu cầu có những doanh nghiệp quy mô lớn và sức cạnh tranh cao là rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập. Chính phủ chủ trương tạo thuận lợi hơn về môi trường kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện thuận lợi cho khối kinh tế tư nhân phát triển; bên cạnh đó là cải thiện môi trường pháp lý, không hình sự hóa các vụ việc kinh tế; thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước bối cảnh năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN và một số hiệp định lớn có hiệu lực hoặc hoàn tất đàm phán, ký kết, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2015, trên cơ sở kinh nghiệm trước, chúng ta cần chủ động, tích cực sẵn sàng hội nhập. AFTA là thời cơ lớn nhưng cũng là thử thách có thể khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà, do đó, cần có nhiều biện pháp đón nhận thời cơ này như hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu nền kinh tế và quan trọng là sự đổi mới mạnh mẽ từ người dân và doanh nghiệp và cả đất nước.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về chủ trương hỗ trợ, tạm trữ lúa gạo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chủ trương hỗ trợ, tạm trữ lúa gạo là cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người nông dân về giá cả hàng hóa. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo quy thóc ở Đồng bằng sông Cửu Long, chính nhờ chủ trương này mà người nông dân không bị ép giá.  

Tạm dừng lấp sông Đồng Nai

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn về quan điểm của Chính phủ đối với sự việc chặt hạ, thay thế cây xanh nhiều năm tuổi tại Hà Nội và việc lấp sông Đồng Nai, liệu có hay không đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích nhân dân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Trước dư luận về chặt cây xanh ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo để kiểm tra vấn đề này, sau đó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến. UBND TP Hà Nội cũng đã chủ động thành lập đoàn thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho việc làm đường sắt trên không, bảo đảm an toàn theo quy định của Luật Đường sắt. Đối với đường Nguyễn Chí Thanh, việc thay thế cây xanh nhằm tái tạo hàng cây tạp theo đề án trồng mới, thay thế các cây hư hỏng ngã đổ. Tuy nhiên, việc làm đề án của Hà Nội còn sơ sài, trong quá trình thực hiện còn một số sai sót nhất định, như không công khai dân chủ, không vận động nhân dân, không lấy ý kiến chuyên gia và nhân dân.

Về việc lấp sông Đồng Nai, Phó thủ tướng thông tin: Theo dư luận báo chí nêu, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, cử đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp tới xem xét hiện trường; đồng thời, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội cũng đã cử đoàn công tác phối hợp, xem xét vấn đề. Theo kiến nghị chính thức của đoàn thanh tra chuyên ngành trình Chính phủ là tạm dừng dự án lấp sông Đồng Nai để đánh giá các tác động môi trường.

Đã chọn đúng những vấn đề cần chất vấn

Đánh giá phần trả lời chất vấn của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Phó thủ tướng đã đi thẳng vào vấn đề, giải quyết được vấn đề đặt ra. Tất nhiên cũng có những nội dung phải tiếp tục làm, mới có thể có kết quả. 

Tổng kết toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ chín, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau 2,5 ngày chất vấn, 4 vị bộ trưởng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn, tổng cộng đã có hơn 130 ý kiến của các đại biểu Quốc hội và hơn 200 nội dung chất vấn đã được thảo luận tại hội trường trong phần chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ chín.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, kết quả chất vấn cho thấy, Quốc hội đã chọn đúng nội dung chất vấn gồm những bức xúc nổi lên trong đời sống, đây cũng là những vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài, được đồng bào cử tri cả nước và Quốc hội quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng. Các vị đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung vào vấn đề chất vấn. Nhiều đại biểu đặt lại câu hỏi để cùng thành viên Chính phủ làm rõ nội dung quan tâm; thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém đề nghị các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp khắc phục. Các thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp vào các vấn đề được hỏi, không né tránh những nội dung gai góc, phức tạp, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu đưa ra, nhận trách nhiệm về cá nhân mình và bày tỏ quyết tâm làm chuyển biến tình hình. Cũng tại phiên chất vấn này đã giải quyết được một số vấn đề cụ thể. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của các vị bộ trưởng trong giải quyết những điều đã cam kết với đại biểu và cử tri. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, làm cơ sở để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Chiều 13-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật An toàn thông tin và dự án Luật Khí tượng thủy văn. Ngày 14-6, Quốc hội nghỉ, ngày 15-6, các đại biểu làm việc tập trung tại hội trường.

ĐỖ PHÚ THỌ