Khi đồng bào các dân tộc khu vực biên giới bước vào vụ gặt, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ giúp bà con thu hoạch mùa màng, đồng thời kết hợp với các hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trên rẫy lúa của chị Rơ Lan Psa, người Gia Rai, ở làng Bi (xã Ia O, huyện Ia Grai) rộn rã tiếng nói, cười của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O (BĐBP tỉnh Gia Lai) và người dân trong làng. Chị Psa không chỉ vui vì những bông lúa trĩu hạt, cho cuộc sống no đủ mà còn vì tình cảm quân dân thắm thiết, keo sơn. “Có BĐBP giúp, công việc thu hoạch nhẹ nhàng hơn rất nhiều, các anh gặt lúa, đập lúa, đóng bao, thồ xuống núi cho bà con. BĐBP như người nhà của đồng bào vậy, công việc gì các anh cũng chung sức, ghé vai gánh vác”, chị Psa cho hay.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O giúp đồng bào làng Bi, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) thu hoạch lúa. 

Ông Rơ Lan Huy, người dân tộc Gia Rai, ở làng Nú (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) rất phấn khởi khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan (BĐBP tỉnh Gia Lai) giúp gặt và đưa lúa về nhà. Gia đình có gần 1ha lúa, nhưng ở tuổi 55, ông Huy không còn làm được việc nặng nữa. Khi lúa chín vàng trên rẫy, ông đứng ngồi không yên. “Cả nhà mình trông chờ vào vụ lúa này, không đưa được lúa về thì coi như đói. May có BĐBP đến giúp, mình như bỏ được tảng đá khỏi lưng”, ông Huy nói khi mang nước uống cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan đang gặt lúa.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết, trên địa bàn xã Ia Nan có 3 cánh đồng lúa, diện tích hơn 100ha. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Công ty 72 (Binh đoàn 15) và BĐBP cùng người dân đã khai hoang, phục hóa, gieo trồng đúng mùa vụ nên lúa cho năng suất cao. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ còn hướng dẫn bà con kỹ thuật gặt lúa, đập lúa, đóng bao, tránh rơi vãi, lãng phí. Song đến mùa thu hoạch, đồng bào vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những gia đình neo đơn, người già. Vì vậy, hằng năm vào dịp này, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Nan phối hợp với địa phương khảo sát, xác định rõ những gia đình cần hỗ trợ và xây dựng kế hoạch tiến hành cụ thể, chi tiết.

Bên cạnh việc giúp đồng bào thu hoạch vụ mùa, các đồn biên phòng còn khéo léo tuyên truyền bằng phương pháp “rỉ tai”, loa lưu động, phát tờ rơi... để nâng cao nhận thức của người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, chống xuất, nhập cảnh, vượt biên trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại; các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới... Trung tá Lê Viết Phấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia O khẳng định: “Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của BĐBP đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp nên các nội dung tuyên truyền dễ đi vào lòng dân”.

Sâu sát theo dõi, chỉ đạo các hoạt động giúp dân ở khu vực biên giới, Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai thông tin, khu vực biên giới tỉnh Gia Lai có 20 dân tộc anh em sinh sống, trình độ dân trí thấp, 100% sản xuất nông nghiệp với phương thức canh tác lạc hậu; tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, huy động tối đa các nguồn lực chăm lo cho nhân dân với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Cũng theo anh Hải, chỉ tính riêng năm 2021, BĐBP tỉnh đã trao hơn 300 triệu đồng tặng 52 học sinh (trong đó có 4 học sinh người Campuchia) theo Chương trình "Nâng bước em đến trường"; triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, nhận nuôi dưỡng 12 trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn; duy trì mô hình bếp ăn tình thương cho 14 học sinh nghèo với số tiền gần 100 triệu đồng; vận động 54 học sinh bỏ học tiếp tục quay lại trường. Ngoài ra, BĐBP tỉnh Gia Lai còn giúp dân lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tặng cây giống, con giống, hướng dẫn đồng bào trồng lúa hai vụ... qua đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, huy động sức dân vào tự quản đường biên, cột mốc, tự quản an ninh trật tự thôn, làng; tuần tra và cung cấp nguồn tin có giá trị cho BĐBP; bảo đảm lực lượng biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới từ sớm, từ xa; đấu tranh vạch trần mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và trấn áp, triệt phá các loại tội phạm, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN