QĐND - Xây dựng đường Trường Sơn Đông qua 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên là một chủ trương chiến lược, nhiệm vụ lớn mà Đảng, Nhà nước giao cho quân đội. Đường Trường Sơn Đông khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch phân bổ lại dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, tạo thêm trục dọc cơ động giữa Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh… Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với Đại tá Văn Thái Bình, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Trường Sơn Đông (Ban QLDA 46) về vấn đề trên.

Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án 46.

 

Phóng viên (PV): Mỗi con đường đều có khởi nguồn của nó. Đường Trường Sơn Đông cũng vậy. Theo đồng chí đâu là lý do mà Đảng, Nhà nước quyết định xây dựng tuyến đường này?

Đại tá Văn Thái Bình: Cái chính là xuất phát từ chính nhu cầu bức thiết của người dân. Bởi đường Trường Sơn Đông đi qua 398 xã thuộc các vùng căn cứ cách mạng, vùng “trũng” phía đông dãy Trường Sơn, thuộc địa bàn 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc, Lâm Đồng của miền Trung-Tây Nguyên; trong đó có hơn 2/3 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nơi bị cô lập, chia cắt vào mùa mưa. Nếu không sớm xây dựng đường Trường Sơn Đông, người dân Hrê, M’Nông, Gia Rai, Xơ Đăng… cư trú phía sâu trong dãy Trường Sơn sẽ mãi bị “trói chân” trong núi do chưa có đường giao thông thuận lợi. Và đó cũng là một trong những nguyên nhân mà nghèo đói, đau ốm, bệnh tật vẫn tiếp tục dai dẳng tồn tại, mặc dù đất nước đã thống nhất 40 năm. Thời cố Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên khi còn đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 5 đã đi hết tất cả các huyện trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên và ông hiểu rằng, nếu không xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông sẽ không thể giúp người dân “vùng trũng” thoát nghèo. Đó cũng chính là tiền đề của “4Đ”: Đói-đau-đạo-địch (do thiếu đói dẫn đến đau ốm, bệnh tật dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo theo tà đạo, gây mất ổn định chính trị và quốc phòng-an ninh trên địa bàn). Chính vì nhu cầu cấp thiết đó, Đảng, Nhà nước đã quyết định xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông để nối thông 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, từ Thạnh Mỹ (Quảng Nam) đến cầu Suối Vàng (Đà Lạt, Lâm Đồng); góp phần tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh khi kết nối với 9 Quốc lộ ngang: 14B, 14E, 14D, 24, 19, 25, 29, 26, 27, hình thành trục dọc cơ động giữa Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh; góp phần giúp các địa phương phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện quy hoạch hệ thống công trình phòng thủ khu vực, phân bố lại dân cư phù hợp với sự phát triển chung của đất nước, mang lại nguồn sống mới cho hàng triệu bà con miền Trung-Tây Nguyên nơi con đường đi qua.

PV: Với chiều dài gần 700km qua các địa bàn đặc thù của miền Trung-Tây Nguyên, đường Trường Sơn Đông hẳn có rất nhiều khó khăn trong thi công so với các tuyến đường khác?

Đại tá Văn Thái Bình: Do chủ yếu nằm trên sườn đông của dãy Trường Sơn, qua các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đường vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, trang thiết bị kỹ thuật, máy móc vào thi công không có, lại phải qua nhiều địa hình, địa chất phức tạp như khe sâu, núi cao… nên công tác thi công tuyến đường Trường Sơn Đông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những đoạn mở mới. Điều bất lợi khác là nhiều đoạn nằm ở khu vực “chồng lấn khí hậu" và điều kiện địa chất, thủy văn khắc nghiệt như: Đoạn qua xã Hiếu, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; đoạn qua khu vực cực tây của huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi; đoạn qua Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng; đoạn qua các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam... mùa mưa hằng năm kéo dài 8-9 tháng và lượng mưa tính đến hàng trăm mi-li-mét. Nhiều khu vực thi công vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, bom, mìn do chiến tranh để lại, khiến cho việc bảo đảm đời sống, sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên, người lao động thi công trên tuyến gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các đơn vị thi công cũng như Ban QLDA 46, tư vấn giám sát, cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương liên quan đến dự án, đã cố gắng, nỗ lực với tinh thần cao nhất, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng mục tiêu, yêu cầu xây dựng tuyến đường mà Đảng, Nhà nước đặt ra.

Công ty Cổ phần 482 thi công cầu số 5 thuộc gói thầu Đ35 (Dự án Đường Trường Sơn Đông) trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc.

 

PV: Vậy tiến độ xây dựng đường Trường Sơn Đông đến nay so với kế hoạch được đánh giá như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Văn Thái Bình: Sau 10 năm triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, sự giúp đỡ của các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương nơi tuyến đường đi qua, sự nỗ lực điều hành của Ban QLDA 46, nhất là sự cố gắng của các lực lượng tham gia thi công, tuyến đường Trường Sơn Đông đến nay đã hoàn thành gần 470km/615km, 2 đường đôi lưỡng dụng, 1 hầm và gần 100 cầu các loại, nối thông 5/7 tỉnh giữa tuyến và các Quốc lộ ngang:  24, 19, 25, 29, 26 trên các địa bàn Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc. Các đoạn tuyến, công trình đưa vào khai thác sử dụng bảo đảm về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và được Hội đồng nghiệm thu Bộ Quốc phòng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, địa phương, Bộ Giao thông vận tải, đơn vị tiếp nhận, quản lý sử dụng đánh giá tốt; giúp hàng triệu bà con vùng sâu, vùng xa trên đại ngàn Trường Sơn đi lại dễ dàng, mở ra tiềm năng, cơ hội mới cho đồng bào các dân tộc thu mua nông sản, lâm sản, lưu thông hàng hóa, phát triển vùng nguyên liệu và hệ thống y tế, giáo dục; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn chiến lược miền Trung-Tây Nguyên. Không những vậy, đường Trường Sơn Đông sẽ hỗ trợ Đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A trong những lúc quá tải, bị lũ lụt chia cắt, sạt lở, tắc đường...

PV: Với thực trạng về bảo đảm vốn khó khăn như hiện nay, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ, đường Trường Sơn Đông đến thời điểm nào có thể hoàn thành hay phải giãn tiến độ như các dự án khác?

Đại tá Văn Thái Bình: Để quá trình xây dựng tuyến đường theo đúng mục tiêu, đúng tiến độ và kế hoạch đặt ra, nhất là trong điều kiện bố trí ngân sách Nhà nước còn hạn chế như hiện nay, Ban QLDA 46 một mặt đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương là tập trung hoàn thành đoạn giữa tuyến trên Tây Nguyên, kết hợp với mở mới dần các đoạn độc đạo khó khăn hai đầu tuyến để giải quyết lưu thông, tránh ách tắc, lầy lội trong mùa mưa… mặt khác chủ động tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét không đưa dự án vào danh mục giãn tiến độ, xác định điểm dừng kỹ thuật và bố trí đủ vốn để tiếp tục hoàn thành tuyến đường trước năm 2020 theo kế hoạch, đáp ứng đề nghị của các địa phương. Điều rất mừng là hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 916 về phân bổ trái phiếu dự phòng giai đoạn 2012-2015 trên cơ sở Tờ trình số 517/TTr-CP của Chính phủ và đã thông qua mức bổ sung trên 800 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ cho dự án, nhằm thông tuyến toàn bộ các đoạn dở dang thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam với chiều dài 66,2km và một số đoạn dở dang thuộc tỉnh Lâm Đồng, phát huy hiệu quả đầu tư; phấn đấu trong năm 2015, 2016 sẽ thông toàn bộ tuyến từ Thạch Mỹ (Quảng Nam) đến đường đôi S2 (huyện M’Đrăk, tỉnh Đắc Lắc); đưa tổng số chiều dài hoàn thành toàn tuyến lên khoảng 530km. Riêng các đoạn mở mới còn lại sẽ phấn đấu triển khai chậm nhất trước năm 2017 theo vốn bố trí, đạt mục tiêu hoàn thành, bàn giao toàn bộ dự án trong năm 2020, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa nơi tuyến đường đi qua, tạo động lực để các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên “cất cánh”.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀNG GIA MINH (thực hiện)