Ông Đoàn Công Côi thôn Ỷ Na, xã Dương Nội đang cắt tỉa lại cây đào thế còn sót lại sau trận lụt.

Đối với người dân xã Dương Nội (TP Hà Đông, Hà Nội), năm Mậu Tý quả là một năm thất bát, khi những ruộng đào, nguồn thu chính của mỗi gia đình (chiếm tới 90% diện tích đất của xã) bị chết đến 90% sau trận lụt lịch sử hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008. Không cam chịu thất bại, cùng với nỗ lực vực lại làng đào, người dân nơi đây đã tập trung vào sản xuất rau, màu bằng hình thức lấy ngắn, nuôi dài.

Đầu xuân Kỷ Sửu, trở lại xã Dương Nội (nơi cách đây hơn ba tháng, trận lụt lịch sử đã “xóa sổ” hơn 100 héc-ta đào của xã, tổng thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm tỉ đồng) chúng tôi thấy rất đông người dân lao động sản xuất ngoài đồng. Các ruộng đào ở xóm Thống Nhất, thôn La Nội, chết lụt ngày nào nay đã được dọn sạch, thay vào đó là những luống rau xanh mướt mắt, xen lẫn với những ruộng đào đã và đang được trồng lại. Không khí sản xuất đầu năm ở nơi đây nhộn nhịp, khác hẳn với cảnh một màu xám cháy trải dài hôm trong Tết.

Bác Đặng Đình Nhật, Trưởng xóm Thống Nhất cho biết: “Sau trận lũ, không kịp mua đào giống, nhiều gia đình đã trồng đậu, rau cải, rau thơm, xà lách… bán Tết, để có thêm chút thu nhập. Tết xong, nhà nào nhà nấy đều đổ ra ruộng xới đất và tỏa đi các nơi mua gốc đào ăn quả về trồng để cấy ghép mắt bích đào chuẩn bị cho vụ đào những năm tới. Công việc này đòi hỏi phải khẩn trương nếu không thì lỡ mất thời vụ. Vì mùa xuân là thời điểm thích hợp nhất để cây đào bắt rễ, trổ mầm. Khi đã có cành lá thì phải bắt tay vào tạo thế. Đến cuối năm phải tuốt lá, kích thích nụ… Nói chung, chăm đào như chăm con mọn, nhưng được mùa thì lãi cao gấp mấy chục lần trồng lúa, trồng rau”.

Cũng thật tình cờ, chúng tôi gặp lại anh Nguyễn Trung Hậu, chủ nhân của 4 sào đào thế bị mất trắng đợt lụt vừa qua (gần 400 gốc). Anh Hậu đang cùng gia đình chuẩn bị đất để hạ đào. Anh tâm sự: “Vườn đào thế gây dựng 16 năm, đến ngày hái quả bị mất trắng bởi lụt. Nhưng thôi, thua keo này ta bày keo khác. Nhiều năm nay gia đình tôi khá giả lên là nhờ cây đào, nên không vì thế mà nản lòng”.

Anh Hậu cho biết mới lặn lội lên rừng mua được 70 gốc đào quả về trồng, nay đã bén rễ, tranh thủ những ngày đầu xuân ấm áp, ghép mắt bích đào vào để tạo thế. Được biết, dịp Tết vừa qua, anh tìm đến các địa phương trồng đào phía Bắc lùng mua đào cây về bán cành, còn gốc giữ lại để gây dựng lại vườn đào. Vất vả, nhưng thu nhập cũng khá. Tiền lãi bán đào cành, cùng với bốn triệu bán hai cây đào thế còn sót lại sau lụt cũng đủ mua 70 xương đào. Nhưng, để có những cây đào thế thì phải mất từ 3 đến 4 năm nữa. Anh nói: “Mặc dù còn mới, nhưng quê tôi cũng đã có chút tiếng về đào thế, được nhiều người biết đến. Đây chính là động lực thôi thúc tôi giữ lấy nghề”.

Còn ông Đặng Đình Nhuộm, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dương Nội thì cho biết, để khôi phục lại vườn đào, nhất là đào thế sẽ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó cái khó nhất hiện nay là thiếu vốn, nhân dân chủ yếu đi vay ngoài, cộng với cái “liều” của người trồng đào là chỉ trông vào vụ Tết. Chịu lãi cao, lại không biết “nắng - mưa” thế nào, nên việc trồng đào nói chung vẫn như “đánh bạc” với giời.

Phía trước người dân Dương Nội vẫn còn không ít khó khăn. Vì vậy, ngoài tình yêu với cây đào của người dân, rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhất là về vốn. Có như vậy, Dương Nội mới có cơ hội khôi phục lại những vườn đào làm đẹp cho xã hội và góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Bài và ảnh: KIM DUNG