Thành phố đã và đang triển khai tham vấn ý kiến của các chuyên gia, tổ chức tài chính, doanh nghiệp để có giải pháp tốt nhất, sớm thực hiện mục tiêu này.

TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt với dân số đông, là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển năng động và đóng góp nhiều nhất vào tổng thu ngân sách của cả nước. Năm 2018, GRDP của thành phố có mức tăng trưởng hơn 8%, đóng góp ¼ GDP cả nước. Đặc biệt, thành phố đóng góp 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Một lợi thế lớn của thành phố là được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn làm điểm đến đầu tư vào Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tính đến hết năm 2018, thành phố có hơn 8.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số dự án FDI trên cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 45 tỷ USD.

Hoạt động giao dịch khách hàng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đối với lĩnh vực tài chính, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán ở TP Hồ Chí Minh chiếm 93,5% của cả nước. Từ năm 2001, thành phố xác định tài chính là một trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu. Đến nay, ngành tài chính thành phố tăng trưởng bình quân 8,8%/năm và chiếm tỷ trọng 5,7% GRDP của thành phố. Ngành tài chính còn giúp thành phố huy động khoảng 460.000 tỷ đồng/năm, đóng góp nhiều về cơ chế, chính sách cho quá trình hội nhập quốc tế tại thành phố. Tại hội thảo xây dựng TP Hồ Chí Minh thành TTTC khu vực và quốc tế mới đây, các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính thành phố vẫn còn nhiều khó khăn từ việc thiếu cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao… để có thể phát triển thành TTTC. Theo các chuyên gia, việc xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành TTTC của khu vực và quốc tế là lợi ích của cả nước chứ không chỉ riêng của thành phố nên cần có quyết tâm lớn, giải pháp đột phá mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương.

Lý giải về hướng đi để TP Hồ Chí Minh trở thành TTTC, theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh: TTTC quốc tế phải được hiểu là một không gian đô thị, hệ sinh thái tập hợp các dịch vụ tài chính, khách hàng và tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, nhất là phạm vi hoạt động phải vượt ra khỏi quy mô quốc gia, tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Khái niệm này hoàn toàn khác với suy nghĩ truyền thống là TTTC là những tòa nhà tài chính. TTTC phải đáp ứng ba khía cạnh quan trọng của thị trường, gồm: Cung, cầu và sản phẩm dịch vụ.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: "Muốn phát triển TP Hồ Chí Minh thành TTTC quốc tế thì trước hết thành phố cần phải ngày càng khẳng định được vị trí vai trò là “đầu tàu” phát triển của vùng và cả nước. Hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố phải là nơi mang tính thị trường cao nhất so với cả nước, phát huy tốt vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế. Theo đó, TP Hồ Chí Minh cần xây dựng thị trường tài chính tập trung có quy mô lớn, như: Quy tụ và tập trung nhiều nguồn cung cầu sản phẩm tài chính.

Để có nền tảng tốt cho việc hình thành TTTC, theo kiến nghị của các chuyên gia, nhà quản lý, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh việc triển khai đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, nâng cao ứng dụng trí tuệ nhân tạo, hiện đại hóa quy hoạch đô thị… Đồng thời, thành phố cần tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp về tài chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ngành tài chính phát triển hơn nữa trong thời gian tới… TP Hồ Chí Minh cần khai thác tốt thuận lợi khi có nhiều trung tâm đào tạo, trường kinh tế lớn để hình thành chương trình đào tạo hỗ trợ cho dịch vụ tài chính. Thành phố cũng nên chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính được xem là hướng đi mới cho các TTTC.

GS, TS Sử Đình Thành, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh hiến kế: "Thành phố cần thành lập một cơ quan chuyên trách, làm đầu mối về phát triển TTTC và sớm quy hoạch khu vực TTTC, có chính sách khuyến khích phát triển ngành tài chính mạnh mẽ hơn nữa. Muốn có TTTC thì hệ thống tài chính của thành phố cần phát triển đồng bộ. Cụ thể, hình thành sàn giao dịch tiền tệ tập trung, từng bước kết nối thị trường tiền tệ thành phố với thị trường tiền tệ khu vực, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả giao dịch thị trường cổ phiếu, tập trung phát triển công nghệ quản lý tài sản, các dịch vụ tài chính, nhất là các dịch vụ quản lý ngân quỹ… Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định pháp lý trong lĩnh vực tài chính”.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Thành phố phải có trách nhiệm tập trung thực hiện đề án xây dựng TTTC, góp phần xây dựng thị trường tài chính lành mạnh cho cả nước. Việc thành phố đang tập trung triển khai khu đô thị sáng tạo sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Nhận định trong tương lai, nhu cầu về tài chính gắn với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý số liệu lớn tiếp tục phát triển, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Cuối năm 2019, UBND thành phố cần hoàn thiện đề cương đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh thành TTTC khu vực và quốc tế. Trên cơ sở đó, vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội, thành phố sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng TTTC quốc tế theo cơ chế, chính sách đặc thù vì cả nước, cùng cả nước.

HỒNG GIANG