QĐND Online – Trong phiên thảo luận về dự án Luật Phí và lệ phí ngày 18-6, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc nâng Pháp lệnh Phí và lệ phí lên thành Luật Phí và lệ phí nhằm khắc phục những tồn tại vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành; loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết, nâng cao điều kiện sống của người dân. Vì theo các đại biểu, thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí, lệ phí bất hợp lý và không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội…

Phân biệt rõ phí và lệ phí

Đa số ý kiến nhất trí về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, theo đó Luật Phí và lệ phí chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do cơ quan nhà nước thực hiện, không điều chỉnh đối với các khoản phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài nhà nước thực hiện. Các dịch vụ được thực hiện bởi các tổ chức và cá nhân sẽ được áp dụng theo cơ chế giá dịch vụ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân loại phí và lệ phí chưa rõ, khái niệm về phí và lệ phí, chưa tách bạch giữa phí và lệ phí. Đề nghị rà soát lại tất cả các loại phí, lệ phí, làm rõ khái niệm giá dịch vụ, phí, lệ phí, xác định rõ đối tượng điều chỉnh, các đối tượng trong và ngoài công lập. Cần làm rõ về nội hàm của từng loại phí, lệ phí. Mặc dù có định nghĩa nhưng sự phân định danh mục giữa phí và lệ phí vẫn chưa rõ ràng, việc phân định phí và lệ phí chủ yếu dựa vào danh mục.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) phát biểu ý kiến.

Dự thảo quy định: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao) cung cấp dịch vụ, được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này. Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan hành chính nhà nước phục vụ công việc quản lý nhà nước, được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), như vậy, dự thảo luật đã quy định sự khác nhau giữa phí và lệ phí. Theo đó phí là trả tiền, mục đích là để cung cấp dịch vụ, chủ thể phục vụ ở đây là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Còn lệ phí là nộp tiền, mục đích là để hưởng dịch vụ, chủ thể phục vụ là cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng giải thích như vậy tôi e người dân vẫn chưa thông” đại biểu Thúy bày tỏ quan điểm của mình và đặt ra câu hỏi, được phục vụ khác với được cung cấp dịch vụ như thế nào?”, Cơ quan hành chính nhà nước sinh ra là để phục vụ công việc quản lý nhà nước thì vì sao người dân đã phải đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước mà vẫn phải trả tiền khi được phục vụ?”. Mặt khác đại biểu Thúy nêu ra thực tế có những việc vừa có phí vừa có lệ phí, như: Án phí, lệ phí tòa án; phí sở hữu trí tuệ, lệ phí sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, có cái tên gọi và nội dung tương tự nhưng cái gọi là phí, cái gọi là lệ phí, như phí bay qua vùng trời, lệ phí đi qua vùng đất, vùng biển, lệ phí ra vào cảng... Vậy nên phân biệt thế nào? Từ đó đại biểu kiến nghị: Theo tôi viết lại Điều 6 như sau: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cung cấp dịch vụ (dịch vụ công); lệ phí là khoản tiền mà tổ chức và cá nhân phải trả cho những chi phí thực hiện thủ tục hành chính”.

Cũng cho rằng khái niệm về phí và lệ phí chưa thật chính xác, đại biểu Trần Văn Độ (đoàn An Giang) đưa ra dẫn chứng: Phí là trả tiền cho cung cấp dịch vụ công, nhưng án phí, không biết có đúng không? Vì tòa án xét xử vụ án là thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, không phải là quản lý nhà nước mà là hoạt động tư pháp.

Đại biểu Độ đề nghị: “Trong dự thảo luật phải phân biệt được thế nào là phí, thế nào là lệ phí, thế nào là thuế, cái gì là giá dịch vụ”. Vì theo đại biểu, có những cái, nếu là cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp thực hiện thì đó là dịch vụ công, nhưng xã hội hóa thì thành giá dịch vụ. Như vậy, giữa giá dịch vụ và phí không thống nhất với nhau, dẫn đến lợi ích của người dân không được bảo đảm. Thường với giá dịch vụ, các cơ quan xã hội hóa làm rất nhanh, nhưng giá thành rất cao. Đến cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp được cung cấp dịch vụ công này thì giá không cao nhưng thủ tục lại phiền hà. Do vậy, phân biệt rõ 4 khái niệm trên sẽ tăng cường tính minh bạch.

“Từ chỗ phân biệt được 4 khái niệm, luật phải xác định được, phân biệt được các danh mục phí, lệ phí và đưa ra khỏi danh mục của luật này những khoản thu không phải là phí, lệ phí. Ví dụ, án phí”, đại biểu Độ nói.

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) cùng đồng tình phải rà soát để đưa ra những loại phí, lệ phí không phù hợp để tránh cho người dân phải “gánh” nhiều loại phí và lệ phí.

Không xác định “lợi nhuận phù hợp" trong xác định mức thu phí

Về nguyên tắc xác định mức thu phí (Điều 7), nhiều ý kiến đề nghị bỏ nội dung quy định nguyên tắc xác định mức thu phí  “có lợi nhuận phù hợp” vì đây là dịch vụ công do cơ quan nhà nước cung cấp phục vụ cho người dân, việc xác định nguyên tắc thu phí có lợi nhuận là chưa phù hợp.

Điều 7 quy định: “Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí, có lợi nhuận phù hợp và tính đến chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ”. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung từ “hợp lý” sau từ chi phí, đồng thời bỏ cụm từ “lợi nhuận phù hợp”. Vì theo đại biểu, từ chi phí ở đây là quá chung chung, chi phí ở đây là chi phí gì, chi phí đó có hợp lý hay không? Quy định như vậy có thể làm ảnh hưởng đến việc tăng mức thu các khoản phí, tác động không tốt đến quyền lợi của người dân khi sử dụng dịch vụ công.

Mặt khác, theo phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, tất cả các khoản phí mà người dân phải trả là để được cung cấp các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước hay các đơn vị sự nghiệp cung cấp, khoản phí đó là nhằm bù đắp, đảm bảo chi phí hợp lý của cơ quan tạo ra dịch vụ công đó. Nhưng ở đây lại xác định thêm là người dân phải trả thêm một khoản tiền nữa gọi là “lợi nhuận phù hợp” cho cơ quan nhà nước là điều hết sức vô lý. Đại biểu Tuấn nhấn mạnh: “Tôi không đồng tình với ý kiến Ban soạn thảo về nguyên tắc xác định mức thu phí tính đến mức lợi nhuận phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư cung cấp dịch vụ công. Vì tôi cho rằng, một thời gian sau này khi chúng ta tiến hành xã hội hóa các loại hình dịch vụ công, lúc đó các cơ quan nhà nước sẽ tiến hành thẩm định, phê duyệt các phương án thu, mức thu phí đối với từng dịch vụ công cụ thể trước khi triển khai thực hiện, do vậy, không cần quy định nguyên tắc xác định mức thu phí phải có lợi nhuận phù hợp. Với lại, hiện tại, tiền lương của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công đó là từ ngân sách nhà nước, là tiền của dân, nên người dân chỉ cần phải trả các khoản tiền để bù đắp chi phí hợp lý là đủ, không cần phải trả thêm tiền lợi nhuận phù hợp”.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cùng một số đại biểu khác đều đồng tình và ủng hộ quan điểm của đại biểu Trần Quốc Tuấn và cho rằng, “Tuyệt đối không được tính đến lợi nhuận, muốn xã hội hóa thì tách ra, chứ không rất phản cảm”.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc phải quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, luật cần quy định bao quát hơn, chặt chẽ hơn đối với các trường hợp đã phát sinh trong thực tiễn, như hành vi vi phạm về chế độ quản lý, thu nộp phí, lệ phí, như: Nộp chậm, nộp thiếu, thâm hụt, sử dụng các khoản phí, lệ phí sai quy định. Theo đó, các đại biểu đề nghị luật cần bổ sung thêm quy định về xử lý vi phạm đối với các hành vi bị nghiêm cấm. Có như thế, khi luật này được ban hành mới đảm bảo các khoản phí, lệ phí được thu đúng, thu đủ và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

XUÂN DŨNG