QĐND - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng đường tuần tra biên giới (TTBG) nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới, xóa đói, giảm nghèo, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QP-AN), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền toàn quốc giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo”. Ngày 10-6-2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 72-2005/QĐ/BQP về việc thành lập Ban Quản lý dự án đường TTBG (gọi tắt là Ban QLDA 47), giúp Bộ Quốc phòng tổ chức, quản lý, thực hiện các bước đầu tư, giám sát, điều hành các đơn vị thi công (từ giai đoạn lập dự án đến giai đoạn hoàn thành bàn giao, đưa công trình vào sử dụng), giúp các địa phương có hệ thống giao thông liên hoàn, thông suốt để tiêu thụ nông sản, phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP), đưa dân ra sát biên giới được thuận lợi.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tùng.

 

Đường TTBG được xây dựng trong phạm vi từ đường biên giới quốc gia trở vào dưới 1.000m, nền đường rộng 5,5m, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5m, với tổng chiều dài quy hoạch là 10.196km, qua 25 tỉnh biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Mặc dù địa hình hiểm trở, địa bàn thi công rộng, chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; địa chất, thủy văn phức tạp; mưa lũ liên tục, dài ngày gây sạt lở, ách tắc giao thông. Cùng với những khó khăn đó, hệ thống đường cơ động phục vụ vận chuyển vật liệu, trang thiết bị thi công rất xấu và rất thiếu, trong đó có 2 dự án phải nhờ đường công vụ qua đất bạn Lào để vận chuyển vật liệu lên tuyến thi công. Một năm các đơn vị chỉ thi công trung bình được 5-6 tháng. Giá cả vật liệu, nhiên liệu biến động, thủ tục giải phóng mặt bằng phức tạp, mất nhiều thời gian, nhất là những đoạn đi qua khu vực rừng quốc gia, rừng phòng hộ đầu nguồn, khu bảo tồn thiên nhiên... Khó khăn, thách thức là thế, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự chủ động, sáng tạo của các lực lượng tham gia xây dựng, đến nay, công tác triển khai thi công đường TTBG đã thu được kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2006-2010, Bộ Tổng tham mưu làm chủ đầu tư 41 dự án, phân đoạn đường TTBG trên toàn quốc với tổng chiều dài 1.420km (chia làm 176 gói thầu xây dựng); giá trị đầu tư đã thực hiện 9.950 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng (bằng 95% tổng mức đầu tư); thi công mặt đường bê tông xi măng được 1.350km, bàn giao cho địa phương đưa vào khai thác sử dụng 1.004km. Ban QLDA 47 cũng đã kết hợp với các nhà thầu, địa phương triển khai thi công 4 dự án khu vực Tây Nam Bộ (giai đoạn 2014-2016) đi qua 4 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang (143km). Dự kiến cuối năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành nền đường, công trình trên tuyến (cầu, cống…). Giai đoạn 2 (2014-2020), Ban QLDA 47 đã tham mưu với Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xây dựng đường TTBG gồm 22 dự án với tổng chiều dài 1.500km, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 15.500 tỷ đồng.

Thi công đường tuần tra biên giới tại Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Gia Minh

 

Trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án đường TTBG, Ban QLDA 47 và các đơn vị thi công trên tuyến luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu; sự tạo điều kiện, giúp đỡ của chuyên gia tư vấn, giám sát; các cơ quan chức năng và địa phương nơi dự án đi qua ngay từ ngày đầu triển khai. Chính vì vậy, chất lượng công tác quản lý dự án, công trình luôn được bảo đảm; năng lực quản lý của Ban QLDA 47 ngày càng được củng cố; tính chuyên nghiệp dần được nâng cao. Quá trình triển khai dự án, ban đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) các huyện, thị xã, trung tâm phát triển quỹ đất của các tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu; nhất là việc tham mưu, đề xuất giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản, mô hình tổ chức quản lý, quy trình các bước triển khai dự án, thi công, tiêu chuẩn nghiệm thu... phù hợp với quy định của bộ và thực tế xây dựng; bảo đảm suất đầu tư đường TTBG thấp hơn so với quy định, không để xảy ra lãng phí. Việc cập nhật hệ thống quy trình kỹ thuật mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tăng cường chất lượng, mỹ thuật trong khảo sát thiết kế, thi công cũng luôn được ban và các nhà thầu áp dụng triển khai, góp phần nâng cao tính hiệu quả, sự đồng bộ trên toàn dự án, giúp dự án bảo đảm được tiến độ; tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội biên phòng thành lập mới các đồn, trạm theo quy hoạch, phục vụ hiệu quả công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia được thuận lợi, giúp các địa phương nơi tuyến đường đi qua đưa dân ra sát biên giới sinh sống, phát triển sản xuất.

Với sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, nhân viên Ban QLDA 47 và các nhà thầu trong suốt 10 năm qua (từ ngày 10-6-2005 đến nay), ban đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giai đoạn 1 trong quản lý, xây dựng đường TTBG theo đúng phê duyệt của Chính phủ, đem lại hiệu quả thiết thực về QP-AN, KT-XH, được nhiều cấp khen thưởng.

Trên cơ sở mục tiêu xây dựng đường TTBG mà Đảng, Nhà nước đặt ra, cũng như hiệu quả đầu tư mang lại khi thông tuyến, nhất là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phát triển KT-XH đối với các địa phương, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, Ban QLDA 47 thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong giai đoạn 1, cùng với các cơ quan chức năng, địa phương, các nhà thầu tiếp tục thực hiện tốt giai đoạn 2 của dự án, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố QP-AN của Đảng, Nhà nước trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Thiếu tướng NGUYỄN XUÂN TÙNG (Giám đốc Ban Quản lý dự án 47, Bộ Tổng tham mưu)