Hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án
Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sẽ góp phần đạt được những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, khái quát một số nội dung chính như sau:
- Đây là một trong những mục tiêu rất quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng;
- Góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng; nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ, từ đó tác động làm giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và khai khoáng trong tổng giá trị sản phẩm xã hội. Với việc phát triển mạng lưới dịch vụ trong đó có dịch vụ hàng không sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế khác, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao trong khu vực;
- Hình thành khu vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tập trung lao động có tay nghề cao, qua đó không những tạo ra cơ sở vật chất trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà còn góp phần to lớn trong việc tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật của nền kinh tế. Theo tính toán sơ bộ, việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 người lao động;
- Thực hiện đầu tư Cảng HKQT Long Thành thông qua huy động các thành phần kinh tế khác nhau (nhà nước, tư nhân, nước ngoài...) là thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
- Đầu tư Cảng HKQT Long Thành phù hợp với chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp ở nước ta theo hướng phát triển công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm dịch vụ xuất khẩu và thu hút nhiều lao động. Phát triển Cảng HKQT Long Thành với tầm cỡ thế giới sẽ góp phần nâng cao trình độ công nghệ xây dựng của đất nước.
- Góp phần làm giảm áp lực ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, tiết kiệm chi phí xã hội, chi phí cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua đường hàng không. Giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, khí thải, chất thải từ hoạt động của cảng hàng không. Không phải di dời 140.000 hộ dân xung quanh Cảng HKQT Tân Sơn Nhất làm bất ổn đời sống của họ, mà thực chất, đây là việc rất khó thực hiện.
- Góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
- Kết quả phân tích cho tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5% (33), cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10% đến 12%) nên Dự án có tính khả thi cao. Cụ thể:
Để xem xét về sự cần thiết đầu tư dự án, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của dự án, được xem xét dưới góc độ của nền kinh tế quốc dân và toàn xã hội. Đó là sự phân tích giữa lợi ích kinh tế thu được và các chi phí xã hội phải bỏ ra giữa trường hợp có dự án và trường hợp không có dự án.
Với cảng HKQT Long Thành, hiệu quả kinh tế của Dự án được tính toán dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế cơ bản sau:
+ Các chi phí đưa vào tính toán: Chi phí xây dựng, chi phí khai thác và bảo trì, các chi phí đi lại gia tăng liên quan đến vị trí xây dựng Cảng HKQT Long Thành mới so với sử dụng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại. Không xem xét trượt giá (lạm phát) và đứng trên quan điểm của nền kinh tế quốc gia, vì thuế là khoản chuyển chi (transfer payment/phân phối lại thu nhập) nên thuế cũng sẽ không được xem xét.
+ Lợi ích kinh tế đưa vào tính toán: Chỉ đưa vào tính toán các lợi ích kinh tế có thể lượng hóa được, bao gồm doanh thu của cảng hàng không tăng thêm và gia tăng chi tiêu của du khách nước ngoài (35); những lợi ích từ công ăn việc làm tăng thêm do phát triển du lịch và việc làm tại cảng hàng không cũng nằm trong các lợi ích này. Trong trường hợp không có Cảng HKQT Long Thành thì sẽ không thu được các lợi ích kinh tế nêu trên.
Từ những phân tích lợi ích, chi phí kinh tế trên, kết quả tính toán EIRR giai đoạn 1 của Dự án là 24,5%. Ngoài ra, việc thực hiện dự án còn đem lại các lợi ích kinh tế không thể lượng hóa nên không đưa vào tính toán, như: Giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất làm giảm chi phí xã hội; góp phần thúc đẩy, phát triển ngành du lịch; Thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng tích lũy công nghiệp; Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Đông Nam Bộ- đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước....
(Theo Báo cáo đầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành của Chính phủ)
|