QĐND Online – Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Các quy định về quyền nhân thân được nhiều đại biểu quan tâm góp ý vì cho rằng vẫn còn có những quy định cần cân nhắc quy định sao cho hợp lý hơn...
Cân nhắc với quy định về chuyển đổi giới tính
Khoản 2 Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Nhiều đại biểu cho rằng: Việc thừa nhận hay không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính không chỉ liên quan đến quyền nhân thân của một cá nhân, mà kèm theo đó là rất nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Chẳng hạn như hành lang pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp y học để chuyển đổi giới tính, vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới, sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam... Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.
 |
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) phát biểu ý kiến.
|
Dự thảo Bộ luật một mặt quy định Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác có liên quan. Như vậy, nếu việc chuyển đổi giới tính đã được thực hiện thì các hệ quả phát sinh lại được pháp luật tôn trọng và bảo hộ. Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) chỉ ra, theo Hiến pháp, mọi người dân đều được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, vậy tại sao có người đã chuyển giới tính trong xã hội, đã hiện hữu rồi, chúng ta lại không quy định để điều chỉnh. Đặt câu hỏi “Không cấm nhưng sao không thừa nhận, có phải đưa đối tượng này ngoài vòng pháp luật hay không?” đại biểu Thủy cho rằng việc không thừa nhận sẽ gây rất phức tạp trong xã hội.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh: Quyền xác định giới tính là vấn đề dư luận rất quan tâm, đặc biệt là người chuyển giới, đồng tính và gia đình của họ. Thực tế chuyển giới tính đã diễn ra, đã có những người mọi hồ sơ, giấy tờ khai sinh, hộ khẩu là nam nhưng thực tế họ đã sống là nữ. Với thực tế này cần có quy định pháp luật để điều chỉnh. Tuy nhiên, dự thảo luật lại không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng lại quy định “Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền..”, rõ ràng là có sự mâu thuẫn ở chỗ này. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm trong xã hội, nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do vậy, đại biểu Nghĩa đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định lại tránh mâu thuẫn ngay trong luật.
Họ, tên dài không ảnh hưởng đến xã hội
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Nhiều đại biểu tán thành với quy định hạn chế việc đặt tên tại đoạn thứ nhất khoản 3 Điều 26: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” vì quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp.
 |
Thảo luậ tại tổ 9 về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). |
Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành quy định tại đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26 “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định hạn chế về cách đặt tên, độ dài của tên là không cần thiết. Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) chỉ ra, việc đặt tên bằng số, bằng một ký tự hay quá dài cũng không ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tại sao lại đưa quy định giới hạn chữ trong đặt tên vào trong luật để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Đại biểu Hoàng cho rằng không nên quy định vào trong luật mà nên giải thích để người dân hiểu, nếu đặt tên như vậy sẽ gặp khó khăn như thế nào trong cuộc sống để người dân hiểu, để từ đó tự nguyện không đặt tên như vậy.
Cùng với đó, một số đại biểu góp ý về điểm a khoản 1 Điều 28 quy định “cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên và chữ đệm trong các trường hợp sau đây: Đối với người dưới 14 tuổi thì mọi trường hợp không bị hạn chế”. Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì mọi trường hợp đề nghị thay đổi họ, tên đều phải có lý do nhất định để tránh sự tùy tiện. Trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý; việc cho phép các em quyền được thay đổi tên và chữ đệm trong bất kỳ trường hợp nào cần cân nhắc thận trọng. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với Luật hộ tịch. Do đó, đề nghị bỏ quy định này.
Bài và ảnh: XUÂN DŨNG