QĐND - Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành vào sáng 4-6, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận cao đối với tính cấp thiết phải triển khai dự án. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần rút ngắn tiến độ để hoàn thành giai đoạn 1 dự án này trước năm 2025 nhằm giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, những vấn đề về bố trí nguồn vốn, phương án giải phóng mặt bằng (GPMB)... cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cấp thiết

Phát biểu đầu tiên trong phần thảo luận về dự án Cảng HKQT Long Thành, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ băn khoăn, đây chỉ là một dự án thành phần của tổng thể quy hoạch Đông Nam Bộ, những dự án khác đã triển khai, người dân khu vực dự án đã ở trong tình trạng “treo” 10 năm nay, nếu không làm sân bay Long Thành thì cả một khối lượng lớn của quy hoạch bị phá vỡ, đó sẽ là sự lãng phí. Ủng hộ chủ trương xây dựng Cảng HKQT Long Thành, theo đại biểu, những phương án mà chúng ta mong muốn như mở rộng sân bay Biên Hòa hay Tân Sơn Nhất vẫn là tầm nhìn rất ngắn, chúng ta sẽ phải trả giá theo cấp số nhân nếu chậm làm dự án này. Đại biểu Dương Trung Quốc mong muốn, những bước đi tiếp, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa, thu hút được ý kiến của người dân, tìm được tiếng nói về mặt chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục để mọi người yên lòng.

Đối với phương án mở rộng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, quan điểm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là không thể mở rộng sân bay này mà phải xây dựng sân bay Long Thành, bởi về lâu dài, không thể có một sân bay quốc tế nằm trong khu dân cư; nếu mở rộng thì khả năng đền bù, giải tỏa, tái định cư là bất khả thi. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng đô thị TP Hồ Chí Minh không có nội dung mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ giao thông kết nối không làm cho sân bay Tân Sơn Nhất. “TP Hồ Chí Minh ủng hộ phải xây dựng sân bay Long Thành để giải quyết quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất mà hiện nay rất bức xúc. Khi Tân Sơn Nhất quá tải sẽ là trở lực cho không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nhấn mạnh, thời cơ, thời điểm để Quốc hội thông qua xây dựng Cảng HKQT Long Thành đã chín muồi, việc xây dựng sân bay này là cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Tính toán phân kỳ đầu tư hợp lý

Theo phân kỳ đầu tư của dự án Cảng HKQT Long Thành, giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách/năm sẽ triển khai từ năm 2018 đến năm 2025. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt vấn đề, năm 2017 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sẽ quá tải, trong khi năm 2025 mới hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành, vậy trong giai đoạn từ 2017 đến 2025 sẽ tính toán thế nào với lượng hành khách quá tải. Đại biểu đề nghị xem xét lại tiến độ dự án, có thể rút ngắn để khởi công vào năm 2016 hoặc 2017, triển khai xây dựng trong 5-6 năm. Bên cạnh đó, cần phải tập trung quản lý chất lượng công trình, tiến độ thi công, không để thất thoát, lãng phí.

Băn khoăn về cơ sở để xác định phân kỳ quy mô đầu tư của Cảng HKQT Long Thành, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, dự báo về sản lượng hành khách quốc tế và trong nước sử dụng trong báo cáo đầu tư dự án thể hiện khá lạc quan. Đại biểu kiến nghị, cần phải có nhiều phương pháp tính toán, dự đoán sự gia tăng sản lượng hành khách, nhất là hành khách quốc tế trong giai đoạn 2015-2030 và những giai đoạn tiếp theo được tốt hơn, để từ đó xác định quy mô Cảng HKQT Long Thành đúng nhất cho giai đoạn đầu tư. Việc xác định Cảng HKQT Long Thành là trung tâm trung chuyển, đại biểu Nguyễn Thanh Phương e ngại sẽ không mang đến hiệu quả cao như kỳ vọng bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như vị trí địa lý, sự phát triển của quốc gia, khả năng cạnh tranh; vì vậy, cần tính toán thêm để phân kỳ quy mô đầu tư hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Góp ý thêm vào dự án, đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng kỹ thuật của cảng hàng không có thể làm được ngay nhưng đầu tư cho con người là cả quá trình lâu dài; vì vậy, khi lập báo cáo khả thi, cần chú ý và bố trí kinh phí thích đáng cho phát triển nguồn nhân lực phục vụ quản lý và khai thác dự án.

Nên GPMB một lần cho toàn bộ dự án

Báo cáo của Chính phủ về dự án Cảng HKQT Long Thành trình Quốc hội tại kỳ họp này xác định nhu cầu sử dụng đất của dự án là 2.750ha (so với 5.000ha theo quy hoạch) để phục vụ các hạng mục hàng không thiết yếu, không bao gồm đất cho quốc phòng, các hạng mục phụ trợ, liên quan khác. Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị thu hồi đất một lần cho toàn bộ diện tích 5.000ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sẽ tăng thêm khoảng 220 triệu USD so với phương án thu hồi 2.750ha, sẽ bố trí từ vốn ngân sách Nhà nước. Theo UBTVQH, ngoài nhu cầu đất trực tiếp cho dự án, đất dành cho quốc phòng, đất để xây dựng ga hàng hóa, khu bảo trì... cũng rất cần thiết, không nên tách rời dự án và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những lần thu hồi sau.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đất dành cho quốc phòng theo quy định của pháp luật là ưu tiên hàng đầu nên không cần đưa vào dự án này, phần đất cho thương mại, dịch vụ cũng nên đặt trong dự án khác, do vậy chỉ nên thu hồi 2.750ha để giảm chi phí.

Phát biểu kết luận phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tuy còn có ý kiến băn khoăn và khác nhau về một số vấn đề cụ thể, nhưng đa số ý kiến đại biểu quốc hội tán thành chủ trương đầu tư, vì dự án phù hợp với quy hoạch, đồng bộ với hệ thống hạ tầng của khu vực và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đang tăng cao. Đối với phương án thu hồi đất, sẽ được cân nhắc và báo cáo lại với Quốc hội sau. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội, UBTVQH sẽ chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành.

Sáng cùng ngày, Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Luật An toàn thông tin. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thống kê (sửa đổi) và dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

  Ngày 5-6, Quốc hội tiếp tục làm việc.

MẠNH HƯNG