QĐND - Với 3/4 chiều dài toàn tuyến đã được nối thông qua 7 tỉnh của miền Trung-Tây Nguyên (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc, Lâm Đồng), kết nối với các quốc lộ ngang: 24, 19, 25, 29, 26…, đường Trường Sơn Đông đã thực sự đánh thức tiềm năng khu vực, giúp đồng bào dân tộc Hrê, M’nông, Gia Rai, Xơ Đăng… đi lại được thuận lợi, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh...

Thi công đoạn đường qua xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam do Xí nghiệp 103-Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vạn Tường (Quân khu 5) thực hiện.

Khát vọng đổi thay

Tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua 398 xã, thuộc địa bàn 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; trong đó có hơn 2/3 xã thuộc vùng “trũng”, vùng căn cứ cách mạng, vùng đặc biệt khó khăn phía Đông dãy Trường Sơn. Chính vì vậy, đây không chỉ là con đường có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng-an ninh, mà còn được coi là con đường mang đến no ấm cho đồng bào-động lực để miền Trung-Tây Nguyên cất cánh. Nếu không sớm xây dựng đường, người dân Hrê, M’nông, Gia Rai, Xơ Đăng… nằm sâu trong dãy Trường Sơn như bị “trói chân”, và đó cũng là nguyên nhân phát sinh nghèo đói, ốm đau, bệnh tật; là điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo người dân theo các tà đạo, gây mất ổn định chính trị, mầm mống của "4Đ" (đói-đau-đạo-địch”). Trước nhu cầu cấp bách đó, Đảng, Nhà nước đã quyết định xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông để nối thông các vùng đặc biệt khó khăn phía Đông Trường Sơn, vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp người dân sớm thoát nghèo, tạo nên hệ thống giao thông hoàn chỉnh mới khi kết nối với các quốc lộ ngang, hình thành trục dọc cơ động giữa Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh trên địa bàn Tây Nguyên về phía biển; giúp việc phân bổ dân cư, quy hoạch phát triển các hệ thống công trình phòng thủ được thuận lợi, phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.

Chị Y Xay, Phó bí thư Chi bộ xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, phấn khởi cho biết: “Ngày chưa có đường đi qua, bà con rất vất vả khi xuống huyện, xuống tỉnh do đường sá lầy lội, gồ ghề. Củ sắn, củ khoai bà con làm ra không bán được, để thối. Từ khi có đường, thương gia đến tận cửa nhà để mua, các cháu đến lớp đi về trong ngày không còn phải ngủ lại hàng tuần ở trường như trước nữa. Bà con mừng lắm".

Cũng theo chị Y Xay, nhiều hộ dân từ đó đã phát triển chăn nuôi, mở rộng sản xuất, đời sống được nâng lên; mối quan hệ của người dân với chính quyền địa phương cũng khăng khít hơn. Không những vậy, việc truyền đạt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân cũng kịp thời, hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Hà Sơn Nhin cũng rất vui mừng trước hiệu quả kép về kinh tế-xã hội (KT-XH) và quốc phòng, an ninh (QP-AN) do tuyến đường mang lại. Đường Trường Sơn Đông đi qua 6 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai gồm: K’Bang, Đắk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa. Trước đây, giao thương trên địa bàn tỉnh và các huyện này rất khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, bị tiểu thương ép giá. Giờ đây sản phẩm người dân làm ra được trao đổi, mua bán thuận tiện, không còn cảnh ép giá như trước, thu nhập người dân được cải thiện. Đến nay, đường Trường Sơn Đông qua địa bàn tỉnh Gia Lai đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao 12/15 gói thầu cho Sở Giao thông vận tải tỉnh và Cục Quản lý đường bộ III quản lý, khai thác với hơn 200km đường, 2 cầu lớn; nối thông Quốc lộ 24, Quốc lộ 19, Quốc lộ 25, tạo động lực để tỉnh phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn.

Đồng chí Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định: Đường Trường Sơn Đông khi hoàn thành sẽ giúp tỉnh Lâm Đồng kết nối thuận lợi với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn.

Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban QLDA 46 báo cáo với Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn về tình hình thực hiện dự án (ảnh chụp tại công trường gói thầu 12, địa bàn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).

Sớm hoàn thiện giấc mơ

"Để có được con đường như dải lụa qua 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên là cả sự quyết tâm vượt gian khó của những đơn vị đang ngày đêm khai sơn, phá thạch". Đại tá Nguyễn Đức Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng công ty 789-Bộ Tổng tham mưu cho biết như vậy khi đang chỉ đạo cán bộ, công nhân viên Tổng công ty sớm hoàn thành tiến độ thi công gói Đ35 trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Gói Đ35 là một trong những gói “xương” nhất mà Tổng công ty 789 thi công trên tuyến. Địa hình nơi đây hiểm trở, anh em phải khoan phá đá, nổ mìn mới “tách” núi ra được. Tổng công ty quyết tâm vượt khó để hoàn thành tiến độ thi công gói Đ35 cũng như các gói khác nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột.

Nhiều gói trong quá trình thi công gặp khó khăn về đường vận chuyển, địa hình, địa chất phức tạp như các gói Đ31, Đ38, Đ2 của Tổng công ty 789; gói 12 trên địa bàn xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, do Xí nghiệp 103 (Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Vạn Tường-Quân khu 5) thi công; gói Đ22, trên địa bàn xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; nhất là gói Đ43, 44 ở địa bàn xã Lát, (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) với hiện tượng “cát chảy” do những núi cát trong các túi thực bì gặp mưa vỡ ra tràn xuống. Song, vượt lên tất cả là sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công nhân viên, người lao động các nhà thầu trên tuyến đang ngày đêm thi công để công trình sớm hoàn thành.

Đại tá Văn Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý dự án 46 cho biết: “Đến nay, đường Trường Sơn Đông đã xây dựng được hơn 468/616km chiều dài, thông tuyến khoảng 460km, nối thông 5/7 tỉnh giữa tuyến và các quốc lộ ngang gồm: Quốc lộ 24, 19, 25, 29, 26 thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc, hoàn chỉnh khoảng 411km mặt đường cấp cao, 2 đường đôi lưỡng dụng, gần 100 cầu các loại, 1 hầm; đưa vào khai thác sử dụng 33/57 gói thầu, bảo đảm chất lượng kỹ, mỹ thuật, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và địa phương đánh giá tốt”.

Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với điều kiện thi công và khả năng bố trí ngân sách khi Dự án phải giãn hoãn tiến độ trong chủ trương kiềm chế lạm phát của Nhà nước, Bộ Quốc phòng mới chỉ tập trung hoàn thành đoạn giữa tuyến trên Tây Nguyên, kết hợp với mở mới dần các đoạn độc đạo khó khăn hai đầu tuyến; ưu tiên đầu tư hoàn thành đoạn nối thành phố Đà Lạt với khu vực khó khăn bậc nhất thuộc xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, giải quyết lưu thông, tránh ách tắc, lầy lội trong mùa mưa cũng như tập trung mở tuyến ở các khu vực đông dân cư, khu vực khó khăn để nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngang, giúp bà con đi lại được thuận lợi...

Vẫn theo Đại tá Văn Thái Bình, để các đoạn tuyến dở dang được nối thông với các quốc lộ ở hai đầu tuyến, nhất là từ Đường S2 huyện Ma Đrắc (tỉnh Đắc Lắc) đến Thạch Mỹ (Quảng Nam), phát huy cao nhất hiệu quả dự án, thì việc tiếp tục bổ sung vốn cho những đoạn chưa hoàn thành và những đoạn mở mới là rất cần thiết; nhất là việc bố trí đủ vốn còn thiếu giai đoạn tiếp theo để hoàn thành theo mục tiêu của dự án cũng như đáp ứng đề nghị của các địa phương. Bên cạnh đó, việc tập trung duy tu, bảo dưỡng để tránh tuyến đường xuống cấp và triển khai xây dựng quy hoạch bố trí các khu dân cư, cơ sở KT-XH hợp lý cũng sẽ góp phần phát huy hiệu quả tuyến đường, góp phần phát triển KT-XH, củng cố QP-AN vùng khó khăn của địa bàn 7 tỉnh miền Trung- Tây Nguyên, tạo động lực để “Tây Nguyên cất cánh”.

Bài và ảnh: HOÀNG GIA MINH