Đề xuất tăng thuế

Bộ Tài chính vừa đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với hai phương án: Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019; hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Đề xuất này của Bộ Tài chính đang thu hút sự quan tâm từ nhiều phía.

Một số doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống đã phản ứng trước dự định áp thuế này. Cái lý của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống đưa ra là, các sản phẩm nước ngọt là loại sản phẩm phổ thông, khi bị đánh thuế sẽ gây tác động đến nhiều đối tượng xã hội.

Đối tượng đầu tiên là người tiêu dùng. Việc áp thuế TTĐB sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và người tiêu dùng sẽ là người phải chi trả trực tiếp cho việc áp thuế này. Đối tượng thứ hai là nhà phân phối. Phần lớn các sản phẩm nước ngọt được phân phối thông qua các nhà bán buôn và bán lẻ. Đối tượng tiếp theo là các ngành công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp sản xuất nhãn mác, bao bì, chai thủy tinh, doanh nghiệp vận tải...

Mục đích là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Lý giải về việc bổ sung những mặt hàng trên vào đối tượng chịu thuế TTĐB, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết: “Mục đích là để điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế ”.

Theo thống kê, ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm, tỷ lệ này lên đến 12%), cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%). Theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ béo phì đối với trẻ em từ 5 đến 19 tuổi cũng khá cao: Tỷ lệ chung ở nhóm này là 8,5%; 18,2% ở thành phố; 7,9% ở nông thôn, tuy nhiên, ở thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này rất cao: 34,5%.

Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, các nước trong khu vực đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt, cụ thể: Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024USD/chai 440cc; nước ngọt có ga ở mức thuế suất 20% hoặc 0,011USD/chai 440cc; Lào thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không cồn với mức thuế suất 5% và nước tăng lực với mức thuế suất 10%; Campuchia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt 10%. Theo thông tin từ Ban thư ký ASEAN thì ba nước trong ASEAN khác đang dự kiến, xem xét áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt là Myanmar: Dự kiến thu thuế TTĐB thuế suất 5%; Philippines: Dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 10 Peso/lít; Indonesia: Dự kiến thu thuế TTĐB mức tuyệt đối 3.000 Rupi/lít nước ngọt có ga... Các nước châu Âu áp dụng thu thuế cao hơn, cụ thể: Pháp thu thuế TTĐB với mức thuế tuyệt đối 0,72 euro/lít; Phần Lan thu thuế TTĐB với mức thuế tuyệt đối là 0,075 euro/lít...

Như vậy, việc Việt Nam đánh thuế TTĐB lên nước ngọt không phải là cá biệt. Phản ứng của các doanh nghiệp trong ngành này là điều dễ hiểu, bởi các doanh nghiệp lo ngại về sự tác động đến thị trường tiêu thụ đồ uống có đường, ảnh hưởng đến “túi tiền” của mình.

Tuy nhiên với cơ quan quản lý, còn phải cân nhắc cái lợi và cái bất lợi mà ngành công nghiệp này mang lại cho xã hội ở mức độ nào, liệu có chấp nhận được không?

TRUNG NINH