Giá gạo tăng, doanh nghiệp giải bài toán lỗ, lãi và chữ tín

Những ngày này khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhiều người chỉ nghĩ rằng doanh nghiệp hay người nông dân “lời khẳm” (lãi lớn). Thế nhưng ít ai biết rằng câu chuyện kinh doanh và thương trường vốn không đơn giản, bằng phẳng. Với giá gạo tăng như vậy thì những hợp đồng mới ký sẽ có cơ hội thu lãi lớn, còn đối với những hợp đồng dài hạn đã ký từ đầu năm hoặc cách đây vài tháng - thời điểm giá gạo chưa có biến động lớn như hiện nay - thì doanh nghiệp nếu thực hiện đúng cam kết, giữ chữ tín giao gạo cho đối tác lúc này thì coi như cầm chắc thua lỗ. Vì khi giá gạo xuất khẩu tăng kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng theo.

Còn nếu như doanh nghiệp không giữ chữ tín, “bẻ kèo”, chấp nhận chịu phạt để hủy hợp đồng không giao gạo thì sẽ giảm thiểu được thua lỗ. Nhưng cái mất lớn nhất đấy chính là chữ tín của doanh nghiệp với đối tác, cũng như hình ảnh, thương hiệu của hạt gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Khi thị trường gạo thế giới có biến động tăng thì cơ hội luôn đi kèm với thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là vì thế.

leftcenterrightdel
Chuyển lúa từ dưới ghe lên kho chứa ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. 

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hoàng Trọng Thủy, một chuyên gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đưa ra cảnh báo: Khi giá gạo trên thị trường thế giới tăng có thể dẫn đến tình trạng tranh nhau thu mua lúa gạo, gây hỗn loạn thị trường lúa gạo trong nước. Giá gạo thế giới tăng thì giá lúa gạo trong nước sẽ tăng - điều này là bình thường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có sự giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng để tránh tình trạng giá gạo tại thị trường nội địa tăng quá mức, gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Liên kết để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững

Thị trường gạo thế giới đang có biến động tăng, cần đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp, đồng thời góp phần “chia lửa”, “giải cơn khát” về nhu cầu gạo của các quốc gia trên thế giới hiện nay cũng như trong thời gian tới. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lúc này đối ngành hàng lúa gạo của Việt Nam là làm gì để phát triển bền vững? Doanh nghiệp và người trồng lúa tính chuyện đường dài hay ngắn?

Nếu chọn đường ngắn thì chỉ có thể chớp cơ hội kiếm lời, hay nói cách khác là "hớt váng", "làm hàng xáo"; điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy, rủi ro cao, thiếu tính bền vững.

Còn nếu như làm lúa gạo thực sự và chọn đường dài thì đòi hỏi doanh nghiệp và người nông dân phải có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng vùng nguyên liệu phát triển ổn định và bền vững. Dĩ nhiên chọn con đường dài khi làm lúa gạo đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, đầu tư bài bản, chủ động và là người định hướng, dẫn dắt xây dựng mối liên kết.

Để tạo điều kiện thuận cho xuất khẩu gạo, đồng thời phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, theo ông Hoàng Trọng Thủy, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng với tư cách là người điều phối, hỗ trợ. Riêng đối với ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi, cho vay vốn trung hạn và dài hạn, để các doanh nghiệp thu mua lúa và thanh toán sòng phẳng với người dân. Trên cơ sở đó, bảo đảm được nguồn nguyên liệu đầu vào. Thời điểm tháng 9, tháng 10 tới đây vẫn đang trong mùa mưa bão. Do đó, khâu thu mua, vận chuyển, xay xát, kho lưu trữ đóng vai trò quyết định trong việc xuất khẩu gạo.

leftcenterrightdel

Một góc chợ gạo Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang. 

GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp nhận định, biến đổi khí hậu sẽ vẫn còn tiếp tục, đặc biệt hiện tượng El Nino sẽ gây tác động tới sản xuất lúa gạo ở các quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan. Việt Nam với lợi thế riêng có của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết này. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để cung cấp, xuất khẩu gạo với giá cao hơn, ổn định hơn. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội thương thảo những hợp đồng dài hạn với nhà nhập khẩu với giá phù hợp. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra, còn người nông dân cũng sẽ yên tâm sản xuất.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, GS, TS Võ Tòng Xuân cho rằng, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên. Về phía nông dân, cần tập hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để xây dựng chuỗi cung ứng ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo. 

Đồng tình với điểm của GS, TS Võ Tòng Xuân, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho hay: Về lâu dài, các nông dân trồng lúa cần xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo thông qua việc tham gia các hợp tác xã. Có như vậy mới thể chia sẻ được rủi ro và lợi ích. Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro, đồng thời dễ nảy sinh việc tranh mua, tranh bán gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp. Về phía người trồng lúa sẽ chịu nhiều rủi ro, khó bảo đảm hiệu quả kinh tế của việc trồng lúa khi đầu ra bấp bênh. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo phải xây dựng, gắn với vùng nguyên liệu, đây chính là một lợi thế của doanh nghiệp có thể chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ thị trường nói chung và xuất khẩu nói riêng và cả lợi thế khi đàm phán, ký kết hợp đồng.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.