Giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh

Nguyên nhân giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh thời gian qua xuất phát từ việc do lo ngại hiện tượng El Nino khiến sản xuất lúa gạo dự báo gặp khó khăn do hạn hán có thể gây thiếu nguồn nước. Trước lo ngại này, một số quốc gia vốn lệ thuộc vào nhập khẩu cũng đẩy mạnh nhập khẩu để dự trữ khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh.

Đặc biệt, để bảo đảm giá gạo thị trường nội địa, Ấn Độ quyết định cấm xuất khẩu gạo, khiến giá gạo thêm “lực đẩy” tiếp tục tăng cao. Do đó, giá lúa gạo tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Giá gạo bán lẻ trong nước cũng “leo thang” khi tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. 

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng đã kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng theo. Tại các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa trong nước nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400- 500 đồng/kg, lên 7.000 - 7.200 đồng/kg. Giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg). Ở khu vực miền Bắc và Tây Nguyên hiện giá lúa lên 9.000-9.200 đồng/kg.

leftcenterrightdel
Nông dân huyện Thoại Sơn, An Giiang thu hoạch lúa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 đạt 534-539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Cũng do giá xuất khẩu tăng nên tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay đã đạt khoảng 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu trên thế giới tiếp tục leo thang khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng vọt lên mức 550 - 575 USD/tấn, từ mức 515 – 525 USD/tấn của trung tuần tháng 7. Đây đang là mặt bằng giá xuất khẩu cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây của mặt hàng gạo Việt Nam.

Tương tự, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan trong tuần trước đã vọt lên mức 605 – 610 USD/tấn, so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận hồi giữa tháng 7. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây đối với Thái Lan.

Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu trên thị trường xuất khẩu tăng đột biến là do Ấn Độ, quốc gia vốn chiếm đến 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu năm 2022, tạm thời cấm xuất khẩu gạo ra thế giới để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường trong nước. Lệnh cấm này của Ấn Độ đã gây gián đoạn thị trường gạo toàn cầu, buộc các quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn gạo từ Ấn Độ phải khẩn cấp tìm kiếm nguồn cung gạo mới.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, việc Ấn Độ tạm thời cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nhiều quốc gia khó có thể tìm kiếm các lô hàng thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới sẽ thay thế cho toàn bộ nguồn cung  bị thiếu hụt từ Ấn Độ.

Các chuyên gia về lương thực nhận định, giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á, đặc biệt là của Thái Lan và Việt Nam, có thể tăng lên tới 600 USD/tấn; thậm chí các loại gạo chất lượng cao sẽ đạt mức trung bình 700 USD/tấn.

Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực

Việc giá gạo trên thị trường có ảnh hưởng như thế nào đến đến thị trường lúa gạo Việt Nam, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định: Về nguồn cung trong nước, Việt Nam có khoảng 7,3 triệu ha đất lúa, năng suất trồng lúa khá cao, giá gạo xuất khẩu cao hơn Ấn Độ, xấp xỉ Thái Lan. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi chiếm 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, kế hoạch sản xuất lúa năm 2023 là xuống giống 3,798 triệu ha, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha, với sản lượng ước đạt 24,1 triệu tấn lúa. Kế hoạch năm 2023, cả nước sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha lúa.

Trong thời gian vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp với một số đơn vị của Bộ NN- PTNT đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và ĐBSCL. Đến thời điểm này có thể khẳng định, sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Nếu không có gì bất lợi từ thời tiết, thiên tai xảy ra bất thường thì năm 2023 Việt Nam sẽ được mùa kỷ lục với sản lượng khoảng 43,2- 43,3 triệu tấn lúa. Năm 2024, 2025, hiện tượng El Nino sẽ có tác động đến cây lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó với hiện tượng này các năm 2015-2016 nên có những biện pháp, phương án để bảo đảm việc trồng lúa của Việt Nam sẽ ít bị tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết này tới trồng trọt nói chung và cây lúa nói riêng.

Ông Nguyễn Như Cường cũng khẳng định, việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. "Do xuất khẩu gạo đang được giá, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực thế giới, nên chúng tôi kiến nghị sẽ nâng diện tích gieo cấy lúa vụ Thu Đông ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL từ 650 nghìn ha lên 700 nghìn ha. Đây là thời cơ để chúng ta xuất khẩu gạo, vì đang có giá rất tốt không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội", ông Cường nói.

Vấn đề giá lúa, gạo tăng trong nước theo diễn biến thị trường là đương nhiên. Tuy nhiên phải khẳng định nguồn cung gạo của Việt Nam vẫn luôn bảo đảm . Nếu giá cả tăng đột biến trong nước, đó là do tâm lý của một bộ phận thương lái và người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
Một góc chợ gạo Bà Đắc ( xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang)

Ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh, Cục Trồng trọt thời gian tới sẽ tiếp tục công tác quản lý, giám sát, đồng thời tăng cường phân tích, đánh giá tình hình diễn biến cụ thể để  kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước đồng thời  tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.