Những lần đến với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, tôi chưa hiểu hết công việc của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hải Tân cảng nó quy mô, rộng dài ra sao. Nhưng sau khi trao đổi với Thượng tá, Giám đốc Phan Văn Tiến, tôi mới thấy hoạt động của những người làm dịch vụ hàng hải phương Nam thật trải rộng, quy mô và đòi hỏi sự chính xác rất cao.
 |
Các tàu của Công ty CP Dịch vụ Hàng hải Tân cảng lai dắt tàu container ra, vào cảng Tân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). |
Thượng tá Phan Văn Tiến nói với tôi: “Nếu như chỉ đứng quan sát những con tàu, ai cũng nghĩ chúng tôi chỉ có nhiệm vụ lai dắt tàu biển ra vào các bến cảng. Nhưng thực tế, công việc của chúng tôi bao gồm rất nhiều lĩnh vực”.
Nói đoạn người giám đốc vạch tay thống kê cho tôi một “mớ” nhiệm vụ của đơn vị mình. Đó là: lai dắt, đưa tàu thuyền cập, rời bến; cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy; hỗ trợ dẫn luồng và đưa đón hoa tiêu; dịch vụ du lịch về hàng hải, dịch vụ biển; vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa…
 |
Đưa, đón hoa tiêu trên khu vực biển Vũng Tàu. |
Hoạt động trải rộng tại các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và khu vực phía Nam, trong khi lực lượng, phương tiện thiếu cục bộ, lịch tàu thường xuyên thay đổi với mật độ giao thông đường thủy dày đặc, nhưng lãnh đạo công ty và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã biết cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Trước hết phải kể đến sự đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng phần mềm quản lý hàng hải. Đây là chủ trương thực hiện “chuyển đổi số” trong quản lý của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nói chung, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải nói riêng.
Phần mềm này giúp quản lý chặt chẽ, điều hành linh hoạt người và phương tiện; nhận dạng các loại tàu biển; theo dõi sát tiến độ công việc của các bộ phận; hạch toán kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác... Phần mềm quản lý hàng hải đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất nhiều và giảm sâu các chi phí.
Ví dụ, như trước đây lai dắt một con tàu phải mất từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ, nhưng nay không đến 1 giờ đã hoàn thành.
 |
Lai dắt cần cẩu trên biển. |
Đứng trên Tân cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trong buổi sáng trong lành, mới cảm nhận được nhiều điều kỳ diệu từ những con tàu.
Tàu trọng tải vừa, tàu trọng tải nhẹ và các tàu phục vụ cứ đan xen vào nhau, tạo ra một khung cảnh tấp nập, náo nức khi TP Hồ Chí Minh đã từng bước kiểm soát được dịch Covid-19.
Bước lên con tàu lai Tân cảng A1, tôi đã hiểu ra rằng: Để trở thành thuyền trưởng và thuyền viên của con tàu này, phải là người có trình độ chuyên môn, kỹ năng giỏi và bản lĩnh rất vững vàng. Và Trung tá QNCN Nguyễn Văn Long, cùng các cộng sự của anh là những người như vậy.
Là thuyền trường tàu Tân cảng A1 từ năm 2013, Nguyễn Văn Long và các thuyền viên của mình đã trải qua nhiều lần lai dắt các con tàu lớn nhỏ. Anh nhớ nhất là lần lai dắt chiếc tàu ngầm kilo đầu tiên vào cảng Cam Ranh đầu năm 2014.
Hôm ấy, thời tiết có nhiều sương mù, có gió và biển động mạnh, khiến việc tiếp nước để tàu ngầm kilo rời khỏi tàu vận tải Rolldock Star tương đối khó khăn. Việc lai dắt con tàu này phải bảo đảm tuyệt đối chính xác và an toàn.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Tân cảng thực hiện nhiệm vụ này, nên lúc đầu anh em cũng lo lắng. Chỉ cần một sai sót rất nhỏ thôi là có thể gây hậu quả khôn lường.
Song với việc lập kế hoạch tỉ mỉ, sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm cao độ, hai con tàu hệ Azimuth của công ty đã lai dắt tàu ngầm 182 Hà Nội vào vị trí an toàn trong niềm vui khôn tả của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và cán bộ, chiến sĩ có mặt trên bến cảng.
Tiếp sau đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Tân Cảng cũng hoàn thành lai dắt thành công 5 chiếc tàu ngầm Kilo khác, cùng hơn 700 lượt tàu quân sự rời, cập các bến cảng an toàn tuyệt đối và tham gia cứu hộ, cứu nạn hơn 300 lượt tàu thuyền các loại.
 |
Lai dắt cần cẩu vào cảng Cái Mép-Thị Vải. |
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá QNCN Bùi Văn Bắc, Trưởng phòng Điều độ Công ty CP Dịch vụ Hàng hải Tân cảng cho biết: Cán bộ, thuyền viên của chúng tôi đều có các chứng chỉ chuyên môn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam.
Nhiều anh em được đi tập huấn, học tập ở châu Âu như Hà Lan, CHLB Đức... để nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, sau đó về đào tạo, tập huấn cho lực lượng của công ty.
Tôi chợt nghĩ, với sự quan tâm đầu tư cả về đội tàu kéo Azimuch hiện đại với chân vịt xoay 360 độ, bảo đảm khả năng hoạt động linh hoạt, cùng với chất lượng lao động như hiện nay, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Tân cảng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực này cũng là lẽ đương nhiên.
10 năm qua, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc việc lai dắt hơn 120.000 lượt tàu kinh tế cập, rời, làm hàng tại các cảng trọng điểm như: Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), các cảng khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đáng nói là việc lai dắt những “siêu tàu” với trọng tải 200.000 tấn, chiều dài lên tới gần 400m ra vào các cảng nước sâu khu vực Thị Vải - Cái Mép an toàn tuyệt đối, được các chuyên gia và thủ thủy đoàn nước ngoài rất khâm phục.
Không chỉ có vậy, Dịch vụ Hàng hải Tân cảng còn nằm trong số rất ít đơn vị trên thị trường có thể cung cấp các dịch vụ hàng hải có độ khó cao, như lai dắt các pông tông chở giàn khoan, giàn cẩu bờ có chiều cao hàng trăm mét trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, hay hỗ trợ hạ thủy các tàu, phà mới đóng tại các nhà máy của Việt Nam và đưa lên tàu mẹ để vận chuyển đi nước ngoài.
 |
Lai dắt thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển thềm lục địa phía Nam. |
Trong 5 năm trở lại đây, công ty luôn duy trì tốc độ tăng doanh thu bình quân hơn 10%, lợi nhuận tăng hơn 20% mỗi năm. Có được thành tích như vậy, chính là sự nỗ lực và đổi mới không ngừng của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao lao.
Đặc thù của Công ty là đội ngũ quân nhân chỉ chiếm 10% quân số, trong khi 90% thuyền viên là tuyển dụng từ bên ngoài vào.
Nói về điều này, Thiếu tá Trần Thị Hồng Thu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chia sẻ: Chỉ khi tất cả cán bộ, thuyền viên, người lao động cùng chí hướng, đồng sức, đồng lòng thì “con tàu Dịch vụ Hàng hải Tân Cảng” mới cập bến thành công.
"Với đặc thù đội ngũ thuyền viên như vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty xác định phải làm tốt việc khuyến khích, động viên, quy tụ người lao động bằng kỷ luật và văn hóa của doanh nghiệp Quân đội", Thiếu tá Trần Thị Hồng Thu nói.
 |
Tàu lai dắt của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Tân cảng hoạt động trên khu vực Cái Mép-Thị Vải. |
Mười năm là một chặng đường không dài, nhưng cũng đủ để đánh giá về quá trình hình thành, đi lên của một doanh nghiệp. Hy vọng “con tàu” Dịch vụ Hàng hải Tân Cảng sẽ có những bước tiến xa trong tương lai, tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, khẳng định thương hiệu lai dắt, cứu hộ hàng hải hàng đầu Việt Nam, đồng thời góp phần khẳng định thương hiệu hàng đầu của Tân Cảng Sài Gòn trong nước cũng như trong khu vực.
LÊ PHI HÙNG