QĐND – Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015. Phiên họp nóng lên với các vấn đề bức xúc của cử tri cả nước. Nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp thiết thực để phát triển KT-XH…
Nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực
Phát biểu tại phiên họp, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015.
Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn và nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự phấn khởi với kết quả trong những tháng đầu năm 2015, nền kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh (QP-AN) được củng cố.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), điểm nổi bật của tình hình KT-XH nước ta từ Kỳ họp thứ tám của Quốc hội đến nay là sự phục hồi kinh tế khá vững chắc, môi trường đầu tư có những chuyển biến tích cực. Kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của nhân dân, của hệ thống chính trị, đặc biệt là sự điều hành năng động, linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có sự giám sát đầy trách nhiệm của Quốc hội và HĐND các cấp.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, tình hình tài chính-tiền tệ đã có những tín hiệu tốt, tái cơ cấu ngân hàng đã có những kết quả đáng mừng.
 |
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu trước Quốc hội ngày 8-6. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp. |
Đại biểu Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) khẳng định: Kinh tế nước ta đang có những tín hiệu tốt, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm, tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, tổng cầu của nền kinh tế đang dần được phục hồi. “Những kết quả này tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các cơ chế, chính sách nhằm đưa nền kinh tế tăng trưởng theo hướng thị trường đầy đủ”-đại biểu nhấn mạnh.
Tìm đầu ra cho nông sản
“Vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp? Có phải do thị trường tiêu thụ hạn chế, hay chất lượng nông sản thấp? Các cụ dạy rằng: "Trăm người bán, vạn người mua", cứ sản xuất nhiều, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ; có thị trường tiêu thụ, nhưng chất lượng hàng hóa thấp, hỏi rằng có bán được không? Nông dân làm theo phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm, dẫn đến hàng hóa, nông sản ế ẩm. Vậy vai trò định hướng, của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu, mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm?”. Đây là phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP Hồ Chí Minh) trước diễn đàn Quốc hội cũng là trăn trở của nhiều đại biểu. Rất nhiều kế sách hay được các đại biểu đề xuất để tìm đầu ra cho nông sản.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Giang) phân tích: “Thị trường đầu vào, đầu ra cho nông sản của chúng ta hiện nay không phải là thị trường cạnh tranh mà do tư thương quyết định. Chỉ có mô hình hợp tác xã kiểu mới mới có thể giúp người nông dân giải quyết được những yếu thế của mình trong quá trình làm ra sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Nếu người nông dân tham gia hợp tác xã, họ mới có thể cùng tạo ra được thị trường đầu vào, đầu ra cạnh tranh, đồng thời thuận lợi hơn khi hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu”.
Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) và nhiều đại biểu khác cho rằng, để giải quyết căn bản vấn đề tiêu thụ nông sản, các bộ, ngành liên quan phải ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình hợp tác trong nông nghiệp…
Đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đề xuất: Cần thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp. Theo đại biểu, như vậy sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan, giảm chi phí đầu vào, tìm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các thị trường nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó tập trung giải quyết những vướng mắc hiện nay là công tác quy hoạch sản xuất. Cần xác định rõ lợi thế, thế mạnh, các sản phẩm của vùng, địa phương, quốc gia để chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, bền vững; mở rộng quy mô và vận dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, giống để nâng cao giá thành sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm bà đỡ cho nông dân trong việc mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm. “Chính phủ cần có những chính sách đủ mạnh để bảo đảm cho việc đầu tư và bảo quản sản phẩm, nhất là các sản phẩm có tính thời vụ cao, thời gian bảo quản ngắn nhằm đa dạng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao và kéo dài thời gian tiêu thụ, tránh tình trạng bị ép giá”-đại biểu Nguyễn Cao Phúc kiến nghị.
Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế
Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận sôi nổi trong phiên họp ngày hôm qua.
Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn), phân tích: Việt Nam là một quốc gia biển và có chính sách vươn ra biển, làm chủ biển và mạnh lên, giàu lên nhờ biển. Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cho các tỉnh ven biển phát triển kinh tế, gắn với củng cố QP-AN. Đại biểu đề nghị, để bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để cho người dân có kế sinh nhai lập nghiệp trên các đảo. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ nghề cá gắn với xây dựng âu tàu, cầu cảng vừa là trung tâm hậu cần để cung cấp vật tư kỹ thuật cho ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ, vừa để thu mua hải sản của ngư dân. “Đây cũng là trung tâm phòng, chống bão lụt, xử lý các sự cố trên biển. Khi có biển động thì tàu, thuyền của chúng ta có nơi neo đậu, bảo đảm an toàn. Chúng ta phải gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế biển gắn liền với du lịch biển, đảo”-Trung tướng Bế Xuân Trường nhấn mạnh.
“Có ngư dân bám biển, có dân sống trên đảo lâu dài, có lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư là lực lượng nòng cốt thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được thế trận QP-AN nhân dân trên biển một cách vững chắc, huy động được sức mạnh toàn dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”-đại biểu Bế Xuân Trường khẳng định.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên-Huế) đánh giá: Trong những năm qua, mặc dù kinh tế, ngân sách còn khó khăn, Đảng, Quốc hội đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, từ đó Chính phủ đã tích cực chủ động chỉ đạo các bộ, ngành chủ quản của các địa phương, tăng cường tiềm lực kinh tế, QP-AN ở các vùng ven biển, các đảo trọng điểm; xây dựng thế trận phòng thủ, từng bước xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Để bảo đảm thế trận QP-AN vững chắc, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa kiến nghị: Cần tiếp tục cân đối nguồn lực bảo đảm ngân sách thích đáng cho công tác QP-AN. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu cơ chế đặc thù để lựa chọn thành lập các doanh nghiệp mạnh, tổ chức chỉ huy chặt chẽ đánh cá trên biển, với các trang thiết bị tàu vỏ thép, công suất lớn, lựa chọn những chiến sĩ hải quân đã xuất ngũ, những ngư dân ở các địa phương huấn luyện, vừa làm nhiệm vụ kinh tế vừa là lòng cốt cho ngư dân hoạt động trên biển, từng bước xây dựng thế trận nhân dân trên biển, đảo để cùng hải quân, cảnh sát biển bảo vệ vùng biển nước ta. Đối với vùng biên giới, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh rà soát báo cáo tình hình đời sống nhân dân các xã biên giới, các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng, công tác quy hoạch dân cư, đưa dân ra các vùng theo tuyến đường biên giới mà Bộ Quốc phòng đang xây dựng.
Sau khi nghe một số đại biểu phát biểu trước Quốc hội cho rằng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai chậm, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giải trình vấn đề này trong buổi chiều 8-6.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, đến ngày 21-5-2015, tại 28 địa phương đã đăng ký đóng mới, nâng cấp 648 con tàu. Trong số này, tàu vỏ thép, vật liệu mới xấp xỉ một nửa; tàu trên 800CV chiếm gần 60%; tàu dịch vụ hậu cần nghề cá là 78 chiếc. Trong số tàu đăng ký thì ngư dân và ngân hàng đã ký hợp đồng được 52 tàu với tổng số tiền là 525 tỷ đồng. Hiện cả nước đã giải ngân 100 tỷ đồng, trong đó 10 tàu giải ngân hơn 50% và 2 tàu đã giải ngân xong. “Tôi cho rằng tiến độ như vậy không phải là quá chậm”- Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh còn cho biết, trong quá trình thực hiện, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến ngư dân, chính quyền địa phương và các đại biểu Quốc hội để điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tiễn.
|
PHÚ THỌ - BÁ HOÀNG