QĐND - Con gái của cô chú tôi năm nay đã học lớp 7, ấy vậy mà ngay việc đơn giản như nhặt rau, vo gạo, rửa bát, quét nhà và phân biệt các loại rau thường xuất hiện trong bữa ăn của gia đình cũng rất khó khăn. Trong khi đó, các môn văn hóa, các môn liên quan đến nghệ thuật như vẽ, đàn piano em lại khá giỏi. Vì thế, nhiều người cũng dễ đoán được tại sao những việc nhỏ trong nhà em không biết làm. Nguyên nhân là do cô chú tôi bắt em dành hoàn toàn thời gian trong ngày vào việc ăn, học, còn tất cả việc nhà, từ việc nhỏ đến việc lớn đã có người giúp việc và bố mẹ làm thay.
Trên thực tế hiện nay có không ít những trường hợp bao bọc con quá mức như gia đình cô chú tôi. Ở các thành phố lớn, tình trạng học lệch, chỉ chăm chú học kiến thức, không chú trọng phát triển kỹ năng sống cho trẻ đang trở nên rất phổ biến. Điều này vô tình khiến các em trở nên thụ động, thích hưởng thụ từ đó hình thành thói quen ỷ lại.
Từ câu chuyện trên, tôi liên tưởng tới quy định không thi tuyển vào lớp 6 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) áp dụng trong năm học 2015-2016. Mục đích của quy định này nhằm mang tới sự phát triển toàn diện cho trẻ, từ thái độ, kỹ năng và kiến thức. Đa số ý kiến ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT.
Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu, Nguyễn Thị Minh Thúy nêu ý kiến: Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm thi tuyển vào lớp 6 của bộ. Bởi phương thức này sẽ giúp các em phát triển toàn diện về thái độ, kỹ năng, sau đó mới là kiến thức, đặc biệt giảm tình trạng dạy thêm, học thêm.
Thông tin về tiêu chí xét tuyển đối với học sinh lớp 6, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, sẽ xét tuyển năng lực học sinh qua học bạ; kết quả của các cuộc thi từ văn hóa đến nhạc họa, thể dục thể thao... Khẳng định tính công bằng, khách quan của học bạ, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Trí Dũng cho rằng: Việc đánh giá năng lực học sinh theo Thông tư 30 là cả một quy trình chặt chẽ, đánh giá cả về trí lực và phẩm chất. Cụ thể, để xét học sinh lớp 5 lên lớp 6, học sinh phải đạt chuẩn kiến thức của Bộ GD-ĐT quy định đối với từng môn, từng hoạt động giáo dục thuộc một trong hai mức hoàn thành hoặc chưa hoàn thành; quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất học sinh đạt hoặc chưa đạt. “Bên cạnh đó, ngoài đánh giá thường xuyên, chúng tôi còn đánh giá hằng tháng, đánh giá xếp loại học kỳ 1, đánh giá cả năm và đánh giá bằng cả điểm số định kỳ cho học sinh tiểu học ở cuối các học kỳ. Điểm số này không được đánh giá như Thông tư 32 cũ mà sẽ được sử dụng là căn cứ đối chiếu chất lượng học sinh cùng với nhận xét của giáo viên. Nếu học sinh đạt điểm dưới 5 thì tiếp tục bồi dưỡng, bổ sung kiến thức. Như vậy, các trường trung học cơ sở sẽ có nhiều căn cứ để xét tuyển”-ông Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh.
NGỌC KHÁNH