QĐND Online – Báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) cho biết, kết thúc đợt 2 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014, cả nước có có 153 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 28; cảnh cáo: 2; đình chỉ: 123); có 6 thí sinh đến muộn không được dự thi. Đề thi được bảo mật tuyệt đối, an toàn trong tất cả các khâu; không có sai sót; đề thi được dư luận đánh giá cao, đặc biệt là đề thi các môn Lịch sử, Địa lý, nội dung mang tính thời sự.
Sau 90 phút thi môn Hóa học, các thí sinh khối B cho biết, đề thi trải đều các phần kiến thức của toàn bộ chương trình, có cả lớp 10, 11 nhưng tập trung chủ yếu là lớp 12 (khoảng 50%). Điểm khác biệt so với các năm trước là đề thi không có phần riêng, điểm này đem lại sự công bằng hơn cho các thí sinh, nhưng không tạo bất ngờ vì thí sinh đã quen với cấu trúc đề thi năm nay. Nguyễn Anh Minh, dự thi vào Học viện Y học cổ truyền cho biết: Đề Hóa không quá dài, nhưng có sự phân loại thí sinh rõ rệt. Đề có những câu dễ, em làm rất nhanh, nhưng một số câu khá lắt léo nên em không chắc mình làm đúng. Mặc dù vậy 2 môn trước e làm tốt nên khá thoải mái”.
 |
Các thí sinh dự thi môn Văn tại Trường Đại học Nội vụ.
|
Đề thi Văn khối D "mở" học sinh, thí sinh có quyền phản biện. Đề có 3 câu, trong đó, câu 2 về nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề: “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Câu hỏi nghị luận yêu cầu thí sinh nhận xét vấn đề đó là đúng hay sai và cho chủ kiến. Câu hỏi này được nhiều thí sinh yêu thích. Ghi nhận tại Trường Đại học Ngoại thương cho thấy, đa số thí sinh đều nhận định đề thi Văn khối D năm nay khá nhẹ nhàng, câu nghị luận xã hội hay vận dụng nhiều kiến thức xã hội, đặc biệt là đề thi mở cho phép thi sinh quyền được phản biện, đưa ra chứng kiến cá nhân. Em Nguyễn Kiều Hưng (Phú Thọ) dự thi Ngành Kinh tế đối ngoại chia sẻ: Em làm tốt hầu hết các câu hỏi, nhất là phần nghị luận xã hội. Còn lại những câu khác cũng khá hay, đề vừa sức, chỉ cần nằm chắc kiến thức đã học thì có thể làm bài tốt. Em Trần Anh Thư (Tuyên Quang) dự thi Khoa báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết, Đề văn năm nay hay. Câu nghị luận xã hội thì cũng rất thú vị, gắn liền với cuộc sống hằng ngày.
Thí sinh Nguyễn Hoài Phương, dự thi Trường Đại học Nội vụ (khối C) cho biết, đề thi năm nay rất hay. Câu I là một tứ thơ rất đẹp của Nguyễn Duy viết về ký ức của tuổi thơ tác giả về một chốn quê nghèo, cơ cực, hình ảnh người bà khi xưa; câu II (3 điểm) lại khơi dậy chân lý về sức mạnh chân chính của còn mỗi con người cũng như của một quốc gia thông qua một trích đoạn của Nam Cao: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm đạp lên kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Phương cho biết: “Trong câu này, ngoài việc phân tích về sức mạnh cá nhân của mình, em còn liên hệ đến sức mạnh của một dân tộc, liên hệ đến việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm lãnh hải của một quốc gia nhỏ bé yêu hòa bình như nước ta. Đó không phải sức mạnh chân chính.
Nhận định về đề Văn cô Nguyễn Huyền Thư, giáo viên tại một lò luyện thi đại học TP Thái Bình cho biết: Đề văn khối C, D đều khác biệt rất nhiều so với các đề thi năm trước: Không còn phần chung, riêng, hoàn toàn thoải mái tự do với rất nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh thể hiện quan điểm cá nhân suy luận và liên hệ thực tế. Các câu hỏi đều thấm đẫm tình yêu đất nước, tinh thần dân tộc và tính giáo dục lối sống tích cực cho giới trẻ. Với cách ra đề như thế này thí sinh có học tủ, mang tài liệu cũng vô ích.
Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY