QĐND - Nhờ đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế nên Tây Nguyên đã tạo được bước phát triển nhanh, toàn diện. Bức tranh kinh tế toàn vùng khởi sắc, đời sống nhân dân có nhiều tiến bộ.

Huy động các nguồn lực

Tây Nguyên được xác định là địa bàn giữ vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của cả nước. Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên hơn 5,46 triệu héc-ta (trong đó có 2 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp và 3,2 triệu héc-ta đất lâm nghiệp), với dân số 5,5 triệu người, thuộc 54 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Trong những năm qua, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá quy mô và toàn diện, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng hướng. Thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xung quanh vấn đề thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên, đồng chí Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Trong giai đoạn 2001-2005, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên đạt 40,1 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 6,79% năm 2001 lên 13,3% năm 2005. Giai đoạn 2006-2010, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 130,4 nghìn tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13,5%/năm. Và từ năm 2011 đến 2014, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên đạt con số 147 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức 8,4 đến 11,5%; tỷ trọng kinh tế khu vực nông-lâm-thủy sản trong GDP giảm từ 50% năm 2011 xuống 41,1% năm 2014, tương ứng khu vực công nghiệp-xây dựng tăng từ 21,9% lên 24,5% và thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,7 triệu đồng năm 2011 lên 34,9 triệu đồng năm 2014.

Sản xuất cà phê luôn là thế mạnh ở Tây Nguyên.    

Cũng theo đồng chí Trần Việt Hùng, kinh tế Tây Nguyên từ năm 2001 đến nay liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước. Để có được kết quả đó, trước hết các tỉnh Tây Nguyên, cũng như các bộ, ngành Trung ương đã quán triệt và thực hiện có kết quả Nghị quyết 10/NQ-TW, ngày 18-1-2002 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010” và  Kết luận 12/KL-TW, ngày 24-11-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10/NQ-TW phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2012-2020. Từ những chính sách ưu tiên của Trung ương, Tây Nguyên đã được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù, tranh thủ được nhiều nguồn hỗ trợ, đầu tư để ổn định xã hội và phát triển kinh tế.

Trong cơ cấu vốn đầu tư tại Tây Nguyên cho thấy, lĩnh vực nông-lâm-thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 18%), bởi cho đến hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên xác định kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ lực. Lĩnh vực nông nghiệp đang là thế mạnh trong phát triển kinh tế, với 72% dân số Tây Nguyên sống ở nông thôn và 65% lực lượng lao động vùng này sống bằng nghề nông. Chính ngành nông nghiệp Tây Nguyên đã tạo ra một số sản phẩm xuất khẩu chiến lược của cả nước, như: Cà phê đạt sản lượng hằng năm 1,2 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng cả nước; hồ tiêu đạt sản lượng 80 nghìn tấn, chiếm 54% sản lượng cả nước; chè 1,3 triệu tấn, chiếm 24% sản lượng cả nước; cao su 171 nghìn tấn, chiếm 18% sản lượng cả nước; hạt điều 63,5 nghìn tấn, chiếm 19% sản lượng cả nước.

Một tín hiệu đáng mừng trong thu hút đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên những năm gần đây, đó là tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước giảm dần, từ 51,5% năm 2010 xuống còn 37,5% năm 2013; trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước tăng từ 45,7% năm 2010 lên 59,5% năm 2013. Và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng từ 2,66% năm 2011 lên 3,26% năm 2013. Những con số trên cho thấy, việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào Tây Nguyên đã bảo đảm phù hợp với xu hướng chung của cả nước, đồng thời đúng chủ trương đầu tư trong điều kiện cắt giảm đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Ưu tiên những lĩnh vực đầu tư thiết yếu

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là cơ sở hạ tầng thấp kém, môi trường đầu tư không thuận lợi, chính sách mời gọi đầu tư thiếu hấp dẫn mà hiện tại nguồn lực đầu tư vào Tây Nguyên vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2010-2013, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 5,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Bên cạnh đó, việc thu hút vốn đầu tư FDI vào Tây Nguyên cũng rất hạn chế cả về số dự án, số vốn và vốn bình quân một dự án. Nếu như mỗi năm, thu hút vốn FDI của cả nước lên tới vài chục tỷ USD, thì riêng khu vực Tây Nguyên, lũy kế tổng nguồn vốn FDI từ trước đến nay chỉ đạt 819 triệu USD với 148 dự án. Tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Tây Nguyên.

Đề cập những lĩnh vực cần quan tâm thu hút đầu tư trong thời gian tới, đồng chí Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: Các tỉnh Tây Nguyên xác định, tới đây đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; ưu tiên đầu tư phát triển nông-lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông-lâm sản; đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng khoáng sản và du lịch. Đây là những lĩnh vực mà Tây Nguyên đang có thế mạnh hơn các vùng miền khác trong cả nước, nhưng lâu nay chưa được đầu tư khai thác.

Nâng cấp Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên.

Cụ thể, trên lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển giao thông, dự kiến giai đoạn 2016-2020, toàn vùng Tây Nguyên cần huy động khoảng 64.930 tỷ đồng cho việc xây dựng, nâng cấp đồng bộ các đoạn tuyến quốc lộ, với tổng chiều dài 1.380km. Đồng thời nghiên cứu, xúc tiến đầu tư đường sắt nối vùng Tây Nguyên với các cảng biển lớn ở Nam Trung bộ và Đông Nam bộ; tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng hàng không hiện có. Cũng trong giai đoạn 2016-2020, toàn vùng Tây Nguyên đề ra mục tiêu huy động khoảng 12.401 tỷ đồng đầu tư phát triển thủy lợi, bảo đảm hạ tầng cho nông nghiệp phát triển bền vững.

Được biết, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ III năm 2015, do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vào trung tuần tháng 5 vừa qua, có 13 doanh nghiệp đăng ký thực hiện 13 dự án đầu tư vào Tây Nguyên với tổng mức đầu tư 16.600 tỷ đồng. Và cũng tại hội nghị này, các ngân hàng thương mại cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mà Tây Nguyên có thế mạnh như: Thủy điện, giao thông, khai thác khoáng sản, du lịch, sản xuất và chế biến nông-lâm sản-thủy sản.

Tuy là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế, được xác định là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, song nhìn chung, Tây Nguyên vẫn là địa bàn chậm phát triển, có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung cả nước. Trong khi đó, nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên những năm tới đây là rất lớn, nhưng ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần. Vì vậy, để tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định và bền vững, đòi hỏi các tỉnh Tây Nguyên phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm, thu hút các nguồn đầu tư, nhất là nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, nguồn vốn ODA và FDI. Trong thu hút đầu tư cần tính đến sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng, liên kết vùng Tây Nguyên với các địa phương khác, và với vùng kinh tế khác trong nước; đồng thời đẩy mạnh đầu tư, hợp tác phát triển với nước ngoài, nhất là các địa phương thuộc vùng Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH - DƯƠNG GIANG