Tuy nhiên, việc cấp, quản lý mã số vùng trồng là đòi hỏi chính đáng từ thị trường và người tiêu dùng hiện nay, bảo đảm vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm của mỗi loại nông sản.

Mã số vùng trồng - bước tiến mới trong nông nghiệp

Thời gian qua, nông sản Việt Nam (lúa gạo, cà phê, trái cây...) đã từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới, dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn gặp khó khăn đối với cơ quan quản lý, các nước nhập khẩu, người tiêu dùng.

Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng ra đời nhằm phục vụ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông sản một cách chính xác, khách quan. Mã số vùng trồng gắn với từng hộ gia đình, hợp tác xã (cơ sở chế biến, sơ chế, đóng gói cũng sẽ có mã số riêng), từ đó góp phần xác định chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của mỗi loại nông sản; gắn trách nhiệm của mỗi hộ nông dân sản xuất. Việc cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các loại nông sản là đòi hỏi, yêu cầu chính đáng từ thị trường (kể cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa) và người tiêu dùng.

Ông Huỳnh Văn Be, nông dân ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tâm sự: "Trước đây, nông dân chúng tôi chưa hiểu việc gắn mã số vùng trồng là gì. Qua tìm hiểu và được cán bộ địa phương giải thích, chúng tôi đã hiểu việc cấp mã số vùng trồng sẽ gắn trách nhiệm của mỗi hộ nông dân khi sản xuất nông sản, đồng thời tránh được tình trạng chất lượng nông sản thật giả lẫn lộn”.

leftcenterrightdel
Các mặt hàng đặc sản địa phương đạt tiêu chuẩn VietGap được bán tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op. (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Ông Hà Tấn Khoa, Giám đốc Công ty Cổ phần Bang Bình (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), một trong những doanh nghiệp trồng thanh long quy mô khoảng 900ha, cho hay: "Khách hàng hiện nay đã chú trọng hơn đến vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản. Khi doanh nghiệp đăng ký được mã số vùng trồng thì khách hàng sẽ truy xuất được nguồn gốc, khi đó họ sẽ yên tâm mua sản phẩm. Công ty chúng tôi đã đăng ký mã số vùng trồng qua mạng khá thuận lợi, tiết kiệm được thời gian, công sức khi thực hiện thủ tục đăng ký".

Hiện ở nhiều địa phương đã và đang hình thành vùng sản xuất với sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, các hợp tác xã với nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, trong đó, nhiều vùng đã được cấp mã số định danh để theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản, như: Lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, chanh leo ở Tây Nguyên; thanh long ở Bình Thuận; nhãn, vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La; na ở Lạng Sơn...

Chuyển từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp

Trên thực tế, việc cấp và gắn mã số vùng trồng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ ở một số địa phương và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường. Điều này đòi hỏi phải đẩy nhanh việc chuyển đổi số lĩnh vực trồng trọt; trước mắt là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long, lúa gạo và một số cây trồng chủ lực khác để kết nối, nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường và người tiêu dùng. 

Nhằm đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng cho nông sản, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. 

Theo đó, khi Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người nông dân, như: Theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm tại nguồn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; hỗ trợ, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác...

Cơ quan quản lý sẽ trực tiếp chỉ đạo sản xuất một cách nhanh chóng, kịp thời. Tới thời điểm này, hệ thống cấp và quản lý mã vùng trồng đã được xây dựng trên phiên bản web và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký. Bước đầu, Bộ NN&PTN lựa chọn cây thanh long để thí điểm triển khai.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng trồng là bước tiến mới trong nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngoài quản lý sản xuất, chất lượng thì nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu quan trọng của tất cả các thị trường. Làm được điều này, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ đi vào thực chất, chất lượng hơn.

Có thể khẳng định, việc xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, cấp và quản lý mã số vùng trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc "đặt tên", định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế.

Đồng thời, những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là rất lớn. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng do Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện vừa qua là một dấu ấn, bước tiến quan trọng trong việc xây dựng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp. Qua đó, từng bước đổi mới quản lý lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM