Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Đa số ý kiến cử tri đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn; đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, thành quả của ngành NN&PTNT cũng như các chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước giúp ngành phục hồi và phát triển sau đại dịch. Các cử tri cũng mong muốn thời gian tới ngành NN&PTNT tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tồn tại để thật sự là trụ đỡ vững chắc cho phát triển kinh tế đất nước. 

*Ông Vũ Xuân Trung, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nam Định:

Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ KH&CN sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu và tăng hiệu quả, hình thành các chuỗi sản xuất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, dù đã tiếp nhận và ứng dụng thành công một số công nghệ mới trong sản xuất giống cây, giống con nhưng chưa tạo được bước đột phá sản xuất theo chuỗi. Vì vậy, thời gian tới cần ưu tiên triển khai các nhiệm vụ KH&CN sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (tức là tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi) từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai hiệu quả đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

Ông Vũ Xuân Trung, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nam Định. 

Ngoài ra, để ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn cũng cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ làm khoa học có trình độ chuyên môn cao. Quan tâm đến các chương trình nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ KH&CN cho nông dân; kết hợp tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, từng bước nâng cao trình độ và nhận thức của người dân để đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường đầu tư cho KH&CN; có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường KH&CN. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thị trường; tìm kiếm, mua công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp...

LA DUY (ghi)

*Cử tri Nguyễn Huy Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu):

Cần giải pháp chấm dứt “giải cứu” nông sản

Ở nhiều tỉnh hiện nay, nông sản được coi là thế mạnh, là sản phẩm chủ yếu góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương và kinh tế hộ gia đình. Chẳng hạn như: Thanh long (Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu), nho (Ninh Thuận), dưa hấu (Long An)... Thế nhưng nhiều năm nay, các loại nông sản này luôn trong tình trạng "được mùa, rớt giá", phải kêu gọi cộng đồng “giải cứu”. Thực tế cho thấy, việc “giải cứu” sẽ làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường; lợi ích cuối cùng chỉ rơi vào tay một số ít tư thương, còn người dân thiệt đơn thiệt kép... Vấn đề “được mùa, rớt giá”, nông sản bỏ đống lăn lóc vệ đường, thậm chí người dân không muốn thu hoạch vì tiền bán không đủ trả tiền công, đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp căn cơ khắc phục. Chừng nào nông sản còn phải “giải cứu” thì đời sống của người dân còn vất vả, nền kinh tế nông nghiệp còn bấp bênh.

Cử tri Nguyễn Huy Hoàng, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu). 

Lâu nay chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài. Khi thị trường đó gặp trục trặc là nông sản của ta lại điêu đứng, lại rớt giá thê thảm. Trong khi đó, thị trường trong nước chúng ta cũng chưa khai thác hết tiềm năng. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của miền Nam chưa phân phối rộng ở miền Bắc, miền Trung và ngược lại.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri chúng tôi mong cơ quan chức năng thể hiện rõ sự quan tâm đến người nông dân thông qua hành động cụ thể, có kế hoạch giúp nông dân ngay từ lúc chuẩn bị gieo trồng; định hướng những loại mặt hàng có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường, từ đó khuyến cáo nông dân nên tăng hay giảm diện tích trồng trọt của từng loại nông sản. Khi đã đến mùa thu hoạch thì chính quyền địa phương và ban, ngành liên quan cần hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm, không để bị động, thấy dư thừa mới tìm cách “giải cứu” kiểu tự phát, "ăn đong". Chúng tôi cũng mong Nhà nước có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; kết nối chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu dùng thông qua cơ chế thích hợp, không để nông dân “tự bơi”, sớm có giải pháp khắc phục điệp khúc “được mùa, rớt giá” để không còn phải "giải cứu".

ĐÌNH THÀNH (ghi)

*Cử tri Huỳnh Mười, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai:

Cần có chính sách trợ giá hiệu quả cho nông dân

Gia đình tôi có gần 30 năm làm nông nghiệp, nhưng chưa bao giờ giá nguyên liệu tăng, giá phân bón tăng lên rất cao như thời gian vừa qua. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc gieo trồng, thu hoạch của gia đình. Ngay cả chúng tôi đã điều hòa sử dụng cân đối phân bón hữu cơ, vô cơ, song chính phân bón hữu cơ cũng tăng giá khá nhiều bởi chi phí vận chuyển, nhân công... Giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng sản phẩm thu hoạch bán ra lại không có nhiều thay đổi khiến đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng không nhỏ. Tôi thấy rằng, phải vất vả lắm mới tạo ra được sản phẩm nông nghiệp nhưng khi được mùa mà giá thấp chẳng muốn bán thì rất đau lòng.

 Cử tri Huỳnh Mười, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Qua theo dõi phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, tôi thấy các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm đến giá vật tư đầu vào, phân bón nông nghiệp, giá các sản phẩm bán ra của nông dân. Điều đó cho thấy, đại biểu đã truyền tải được nhiều thông điệp, ý kiến của cử tri đến Quốc hội, chia sẻ những vấn đề bức xúc của người nông dân. Bên cạnh đó, việc điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đi thẳng vào vấn đề mà người nông dân đang quan tâm khi nêu dẫn chứng của đại biểu, bàn về giá vật tư nông nghiệp tăng cao “được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào, hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này”...

Đại dịch Covid-19 đã khiến không ít người dân trở lại với nông nghiệp, với đất sản xuất. Nhưng nếu sản xuất mà không có thu nhập thì khó có thể trụ vững và phát triển được. Vì vậy, tôi và nhiều cử tri mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có những giải pháp quyết liệt, cụ thể trước mắt cũng như lâu dài để “tháo gỡ” những khó khăn, vướng mắc của người nông dân, giúp chúng tôi tiếp tục gắn bó với ruộng, vườn. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ với sinh viên tốt nghiệp đại học về quê lập nghiệp, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một giải pháp thu hút, thúc đẩy, phát triển kinh tế, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở từng địa phương.

DUY HIỂN (ghi)