QĐND - Từ nhiều năm nay, xe công nông gắn bó mật thiết với người nông dân Tây Nguyên, họ sử dụng loại xe này để chở phân bón, người lao động đi rẫy, chở các loại nông sản về nhà, sử dụng cày, bừa đất, bơm nước tưới cà phê… Chính vì vậy, không ít gia đình nông dân ở khu vực Tây Nguyên đều mua sắm phương tiện này. Trong các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, thì tỉnh Đắc Lắc có nhiều xe công nông nhất, với khoảng 70.000 chiếc, nhưng hiện chỉ có gần 50.000 chiếc được đăng ký, đăng kiểm. Một điểm cần lưu ý nữa là, có tới 97% số người điều khiển xe công nông chưa qua đào tạo cấp GPLX hạng A4. Chính vì vậy, có một thời gian dài xe công nông chở hàng chục người, cùng núi hàng hóa, nông sản cồng kềnh tham gia giao thông thực sự là nỗi khiếp đảm của người dân các tỉnh Tây Nguyên, bởi nguy cơ gây tai nạn giao thông là rất lớn.
 |
Học viên thi thực hành tại trung tâm.
|
Trước thực trạng đó, cuối năm 2013, Ủy ban ATGT Quốc gia đồng ý cho tỉnh Đắc Lắc tổ chức thí điểm đào tạo GPLX hạng A4 cho các đối tượng lái xe công nông với kinh phí hỗ trợ lên tới 500 triệu đồng, trích từ nguồn kinh phí của Ủy ban ATGT Quốc gia. Trung tâm đào tạo nghề tại Đắc Lắc, thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ chọn địa điểm để mở lớp đào tạo. Sau thời gian chuẩn bị, tháng 11-2013 khóa học đầu tiên chính thức được khai giảng với thời gian đào tạo 15 ngày, bao gồm các môn: Đào tạo về Luật Giao thông đường bộ; cấu tạo, sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; kỹ thuật lái; thực hành lái xe. Trong đợt này, 5 huyện có lượng xe công nông nhiều nhất của tỉnh là Ea Sup, M’Đrắk, Lắc, Krông Bông, Buôn Đôn đã được chọn làm điểm.
Đại úy Võ Văn Thiên, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề tại Đắc Lắc cho biết: “Các giáo viên của Trung tâm đều là những người nhiều kinh nghiệm, có chứng chỉ dạy nghề và giấy phép lái xe công nông. Hiện nay lượng học viên đăng ký đào tạo lái xe công nông khá đông. Để đáp ứng nhu cầu của người học, 6 tháng đầu năm 2014, Trung tâm đã khai giảng liên tục 10 khóa với 1.050 học viên tham gia. Đối tượng học viên của nhà trường rất đa dạng thành phần, lứa tuổi, giới tính. Mới đây nhất, 57 cán bộ thuộc lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh Đắc Lắc cũng được cử đến trung tâm để đào tạo lái xe công nông, để thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sau này. Nhiều người ở Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cũng tìm đến trung tâm đăng ký học.”.
Anh Trương Quang An (xã Pơng Đrang, huyện Krông Buk) cho biết: “Nhà tôi cách Trung tâm gần 50km. Tôi biết lái máy cày cả chục năm nay, nhưng vì chưa đi học nên không được cấp giấy phép; mỗi lần ra đường rất sợ bị công an phạt vì không hiểu biết về luật. Giờ đi học tại trung tâm, chúng tôi được giáo viên chỉ cho khi chạy trên đường trơn trượt phải làm gì, chạy ban đêm hay lùi xe thế nào là đúng và an toàn? Có giấy phép lái xe, ra đường cảm thấy yên tâm hơn và biết sửa chữa những hỏng hóc thông thường nữa”.
Việc xóa bỏ xe công nông ở Đắc Lắc nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung rất khó bởi nhu cầu làm nương rẫy, vận chuyển nông sản của người dân địa phương rất lớn. Chính vì vậy, đào tạo kỹ năng lái xe, xử trí tình huống, nắm vững luật và có thể tự sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, thông thường của xe là rất cần thiết. Theo ý kiến của nhiều nông dân, để thuận lợi hơn cho người học, trung tâm đào tạo nghề cần chủ động liên hệ với các huyện bảo đảm sân bãi tập luyện. Mặt khác, trung tâm nên tổ chức cơ động lực lượng và phương tiện đến tận nơi để đào tạo và tổ chức thi sát hạch cho bà con.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG