Những ngày qua, với sự kiểm soát chặt dịch Covid-19 tại phía Trung Quốc nên đã gây ra tình trạng ùn ứ hàng nghìn xe hàng tại nhiều cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Nhận định về tình trạng này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh và cũng là do việc tổ chức hệ thống logistics chưa tốt, ảnh hưởng đến dòng chảy lưu thông hàng hóa.

Theo đại biểu, vừa qua, khi dịch bệnh xảy ra, các tỉnh ngăn chặn dòng di chuyển thì ngay lập tức hàng hóa bị ứ đọng. Thực tế của tình trạng này là vì không có các trung tâm về phân phối, trung chuyển hàng hóa tại các vùng.

“Khi có các trung tâm về lĩnh vực giao thông vận tải như trung tâm trung chuyển logistics thì dù chúng ta có khoanh vùng ở các tỉnh, hàng hóa vẫn về các trung tâm này, rồi từ các trung tâm đó phân phối về các địa bàn nhỏ. Nếu vậy sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi luân chuyển hàng hóa, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản”, đại biểu nói.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hoàng Văn Cường: Cần thiết thành lập các trung tâm logistics phân phối, trung chuyển hàng hóa. 

Mặt khác, đại biểu cho rằng, khi có các trung tâm logistics ở các vùng, việc sử dụng công suất của các phương tiện vận tải hàng hóa sẽ ở mức cao, tránh tình trạng các phương tiện vận tải đi một chiều không tạo sự kết nối để tận dụng được mạng lưới vận tải cũng như giảm chi phí.

Nhắc đến việc đại dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân gây đứt gãy các chuỗi cung ứng cả trên thế giới, nhất là ở khu vực cửa khẩu, kể cả đường bộ, đường biển, đại biểu nhấn mạnh, rõ ràng Việt Nam có cơ hội rất tốt trong phát triển hệ thống logistics đường biển.

Từ đó, theo đại biểu, giao thông vận tải, nhất là logistics là lĩnh vực cần được chú trọng ưu tiên thỏa đáng để có cơ hội phục hồi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhắc đến một nguyên nhân khác gây tình trạng ùn ứ nông sản thời gian qua – Đó là do việc thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu theo con đường chính ngạch hay tiểu ngạch.

“Càng ngày, Trung Quốc càng đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và theo xu hướng các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chính ngạch. Chúng ta cần thay đổi tư duy, phải chuyển sang các hoạt động chính ngạch, theo thỏa thuận. Khi ấy, tình trạng “mở-đóng” bất thường như trong thời gian vừa qua mới được khắc phục”, đại biểu nhấn mạnh.

HẰNG PHƯƠNG