Cần sự đồng hành của chính quyền

Từ khi xuất hiện các dấu hiệu ùn tắc hàng hóa ở khu vực biên giới cho tới khi tình hình chuyển biến nghiêm trọng với hàng nghìn xe container xếp hàng trong các bến, bãi, dọc đường lên cửa khẩu biên giới phía Bắc kéo dài hơn 1 tháng trời, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp vẫn ùn ùn kéo hàng lên biên giới, nêm chặt thêm lối thoát, điều đó cho thấy công tác thông tin chưa được thực hiện hiệu quả.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ, công tác thông tin tới người dân, doanh nghiệp cần phải được thực hiện hiệu quả hơn để họ chuyển hướng kịp thời khi xe còn chưa lên tới các tỉnh biên giới. Trong khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc truyền thông tin không thể chỉ dựa vào con đường công văn, giấy tờ truyền thống mà cần biết ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để đưa thẳng thông tin tới tận từng người dân, doanh nghiệp. 

“Tôi không hiểu sao, nhiều vấn đề không phải là quan trọng lắm nhưng được thông tin, gửi tin nhắn nhiều lần tới từng số điện thoại của người dân, nhưng vấn đề nóng như ách tắc hàng hóa ở khu vực biên giới lại không được chia sẻ kịp thời như vậy? Nếu các thông tin, cảnh báo được đưa thẳng tới từng người dân, doanh nghiệp thì tình trạng ùn tắc sẽ không đến mức nghiêm trọng như vậy”, ông Phan Đức Hiếu nói.

 Một xe hàng bị lật trên đường lên cửa khẩu. Ảnh: HOÀNG THOA

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Thanh Hải (Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) cho rằng, nước ta chưa có nhiều doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh để có thể đứng ra đặt hàng, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Trong khi chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn thêm và nhiều lên, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái. Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương, xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ: Một khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn.

Chủ động thích ứng

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa đề xuất giải pháp rất quan trọng để thích ứng với chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của phía bạn, đó là thiết lập vùng đệm an toàn ở các khu vực cửa khẩu để bảo đảm việc thông thương được diễn ra bình thường.

Đây là giải pháp rất hay, bởi chính sách phòng, chống dịch của nước ta và nước bạn đang có sự khác biệt. Việt Nam chủ trương chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, còn Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược "zero Covid". Do vậy, nếu tổ chức được những vùng đệm an toàn, thích ứng với chiến lược "zero Covid" của phía bạn, thì việc thông thương sẽ được tiến hành thuận lợi hơn.

Cùng với đó, nước bạn cũng đã thông báo trước về việc sẽ thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa (Lệnh số 248 ngày 12-4-2021 ban hành quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Lệnh số 249 ngày 14-4-2021 ban hành biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Do vậy, hoạt động xuất khẩu của chúng ta sang nước bạn cũng cần thay đổi để thích ứng với quy định mới từ phía bạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhiều chủ hàng, chủ xe cho hay, họ đưa hàng hóa lên khu vực cửa khẩu vẫn theo thói quen trước đây, qua cửa khẩu rồi tiểu thương phía bạn sẽ tới thu mua, không có hợp đồng trước với phía bạn. Đây là điều rất bất lợi cho người bán hàng từ phía Việt Nam. Trong khi đó, nếu hàng hóa được đưa lên cửa khẩu sau khi hai bên đã có giao kết hợp đồng thì việc “thoát” hàng sẽ được bảo đảm ở mức cao hơn rất nhiều.

Để thay đổi việc này, nếu chỉ dựa vào người dân, doanh nghiệp thì rất khó, bởi thói quen giao dịch là một chuyện, còn chuyện quan trọng hơn là người dân, doanh nghiệp-nhất là tiểu thương và hộ kinh doanh nhỏ lẻ-rất khó kết nối trực tiếp được với các đầu mối thu mua hàng phía Trung Quốc.

Do vậy, các cơ quan, địa phương hữu quan của hai nước nên sớm đàm phán, hợp tác tổ chức các sàn giao dịch hàng hóa xuất-nhập khẩu giữa hai nước. Như vậy, “cung” và “cầu” giữa hai bên sẽ dễ gặp nhau hơn, việc thông thương ở cửa khẩu hai nước cũng dễ dàng, thuận lợi hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân, doanh nghiệp cũng như thuận tiện hơn cho cơ quan quản lý mỗi nước.

Đa dạng thị trường, không quên thị trường trong nước

Nước ta rất coi trọng thị trường Trung Quốc, bởi sức tiêu thụ của thị trường hơn 1 tỷ dân này cực kỳ hấp dẫn, trong khi khoảng cách địa lý để tiếp cận thị trường này rất gần, thuận tiện cả đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, đồng thời người dân hai nước có sự gần gũi về mặt thói quen, văn hóa tiêu dùng.

Tuy nhiên, nước ta cũng rất coi trọng các thị trường khác trên thế giới, nhất là các thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa lớn, để cân bằng các thị trường, tránh bị ép giá hay gặp rủi ro lớn khi có một thị trường gặp bất lợi. Vì vậy, trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã miệt mài tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản Việt Nam nói riêng. Rất nhiều hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được nước ta ký kết, tham gia. Đây là điểm cực kỳ thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nước ta.

Kết quả xuất khẩu của nước ta những năm gần đây ngày càng tăng trưởng ấn tượng hơn, mạnh mẽ hơn, với các dấu mốc kỷ lục mới liên tục được vượt qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc chúng ta đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên và không thể lãng quên một thị trường cũng rất hấp dẫn với rất nhiều nước trên thế giới, đó chính là thị trường với sức tiêu thụ rất lớn của gần 100 triệu dân Việt Nam, trong đó tầng lớp trung lưu đang ngày càng được mở rộng.

Mỗi khi nông sản gặp khó trong khâu tiêu thụ, chỉ cần có thông tin kêu gọi “giải cứu”, lập tức khó khăn của nông dân được hóa giải. Điều đó cho thấy, lực cầu tiêu thụ trong nước rất lớn, nhưng chưa được chúng ta khai thác hết, khai thác hiệu quả.

Một điều tưởng rất nhỏ, nhưng lại rất quan trọng, đó là chúng ta cần trả lời cho được: Tại sao trong khi ở các vùng sản xuất, nông sản không tìm được nơi tiêu thụ, phải đổ bỏ hoặc bán rất rẻ cho thương lái, hoặc thu gom mang lên cửa khẩu để xuất khẩu, thì ở rất nhiều địa phương khác, người tiêu dùng lại phải mua những mặt hàng nông sản ấy với giá rất đắt đỏ?

Hầu hết các loại trái cây, giá bán của nông dân tại vườn ở miền Trung, miền Nam khi so với giá mà người tiêu dùng ở khu vực các tỉnh phía Bắc phải trả bị đội lên nhiều lần. Trả lời được câu hỏi này sẽ tìm được những điểm bất hợp lý trong khâu vận chuyển, tổ chức lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa.

Giải quyết được những nút thắt ấy, lưu thông, luân chuyển hàng hóa trong nước mới trở lại đúng bản chất của thị trường; và thị trường 100 triệu dân nội địa mới được khai thác hiệu quả nhất.

Đã đến lúc cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức vận hành thị trường; phương thức phối hợp quản lý, chỉ đạo, điều hành và phối hợp giữa các cơ quan công quyền để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Nếu khi sự việc xảy ra, cơ quan nào cũng đưa ra được những văn bản, giấy tờ cho thấy mình đã dự đoán, đã vào cuộc từ sớm để phòng bị, để giải quyết tình huống phát sinh, qua đó chứng minh “tinh thần trách nhiệm”, nhưng quên đưa ra đánh giá việc thực thi đã được tiến hành đến đâu, hiệu quả như thế nào, sự việc đã được giải quyết hay chưa... thì chuyện “tắc biên” sẽ còn tiếp diễn dài dài!

CHIẾN THẮNG