Tình trạng ùn tắc đã được dự báo

Thực tế những năm qua cho thấy, tình trạng ùn tắc hàng hóa khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc không còn là điều lạ. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ quan nhà nước đã lường trước khả năng sẽ tiếp tục xảy ra ùn tắc.

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, cho biết: Ngay từ tháng 6-2021, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới có thể xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã có Công điện số 14/TCHQ chỉ đạo cục hải quan các tỉnh biên giới thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan, chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền phổ biến cho doanh nghiệp...

Trước đó, ngày 25-5-2021, Bộ Công Thương đã gửi Công văn số 2926/BCT-XNK về xuất khẩu nông sản qua biên giới tới các tỉnh để chủ động những biện pháp ứng phó với tình trạng ùn tắc ở khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thực hiện công văn này, nhiều địa phương đã ban hành các văn bản đốc thúc các bộ phận thực hiện.

Chẳng hạn, ngày 3-6-2021, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ban hành Công văn số 4845/UBND-KT về việc thực hiện Công văn số 2926/BCT-XNK của Bộ Công Thương. UBND tỉnh Đắc Lắc yêu cầu các cơ quan hữu quan chủ động cập nhật thường xuyên về tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các tỉnh biên giới phía Bắc, triển khai các biện pháp điều chỉnh nhịp độ đưa hàng nông sản của tỉnh lên biên giới phù hợp với năng lực thông quan của các cửa khẩu; thường xuyên cập nhật diễn biến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động có kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh tình trạng ùn ứ và những tác động bất lợi khác...

Nhiều chủ hàng phải thuê người bốc dỡ, bán hàng ngay dọc đường. Ảnh: HOÀNG THOA 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao triển khai nhiều hoạt động theo chức năng được phân công để cùng các cơ quan hữu quan tìm giải pháp tháo gỡ ách tắc. Các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta cũng đã rất chủ động cập nhật thông tin về sự thay đổi trong chính sách quản lý, điều hành của nước bạn có thể ảnh hưởng tới việc thông thương giữa hai nước để thông báo tới các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp và người dân...

Các cơ quan cùng vào cuộc

Khi xuất hiện dấu hiệu ùn ứ hàng hóa ở khu vực cửa khẩu phía Bắc, các tỉnh biên giới phía Bắc và các cơ quan chức năng như hải quan, công thương... cũng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp để tháo gỡ. Lực lượng hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn và tại cửa khẩu bố trí, phân công công chức phối hợp phân luồng, điều tiết phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), vừa an toàn trong công tác phòng, chống dịch, ưu tiên phân luồng dành riêng cho các mặt hàng xuất khẩu dễ hư hỏng; trao đổi thông tin, gửi công hàm đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản để rút ngắn thời gian thông quan; thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK tại cấp cục và chi cục; bố trí cán bộ giải quyết thủ tục xuất khẩu hàng hóa 24/7 cho các lô hàng xuất khẩu...

Cục XNK, Bộ Công Thương cũng ra thông báo cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương liên quan theo dõi sát tình hình thông quan XNK hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và những động thái của cơ quan quản lý phía Trung Quốc để có biện pháp điều tiết XNK hàng hóa.

Tỉnh Lạng Sơn đang tích cực trao đổi với chính quyền địa phương phía Trung Quốc nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thông quan, XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là mặt hàng nông sản của ta xuất sang Trung Quốc. Bộ Công Thương cũng đã cử nhiều đoàn công tác tới các tỉnh biên giới phía Bắc để cùng tìm giải pháp tháo gỡ; gửi văn bản hỏa tốc tới các tỉnh, thành phố trên cả nước để thông báo tình hình và phối hợp thực hiện...

Việc giải quyết vẫn rất chậm

Tuy việc ùn tắc đã được dự báo trước, đã có dấu hiệu trên thực tế từ cuối tháng 11, đầu tháng 12, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc có thể nói là kịp thời nhưng tiến độ giải quyết trên thực tế lại rất chậm. Vì thế, Chính phủ đã phải vào cuộc. Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đốc thúc nhanh chóng triển khai các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Khắc Lịch cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn cũng đã chủ động liên hệ với một số sàn thương mại điện tử để đưa hàng hóa tắc biên đi tiêu thụ. Tính đến ngày 31-12-2021, lượng hàng hóa do cơ quan này kêu gọi tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử đã lên tới khoảng 200 tấn.

Tuy nhiên, tốc độ giải tỏa hàng nông sản đang tắc biên hiện vẫn còn rất chậm. Nếu việc này không được đẩy nhanh hơn, lượng hàng hóa phải tiêu hủy sẽ ngày càng nhiều và thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn. Trước tình hình này, một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động vào cuộc triển khai nhanh chóng việc giải tỏa hàng nông sản tắc biên nhằm giúp người dân, doanh nghiệp đang bị tắc hàng giảm bớt thiệt hại.

Chị Phạm Thị Quyên, Tổng thư ký Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, ngay trong đêm 28-12-2021, chị đã phối hợp cùng CEO sàn thương mại điện tử cuccu.vn Đỗ Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Khắc Lịch quyết định cùng hợp tác, liên hệ với các chủ xe, chủ hàng bị tắc ở biên giới đưa hàng nông sản lên bán trên nền tảng cuccu.vn với cam kết đây là chương trình bán hàng phi lợi nhuận, giá bán là giá gốc do người dân, doanh nghiệp có hàng đưa ra.

Ông Đỗ Thắng chia sẻ thêm, giá bán một thùng thanh long tím 17kg và một thùng thanh long trắng 19kg là 149.000 đồng; thanh long tươi, ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá thanh long như vậy rất rẻ so với giá bán bình thường hiện nay khoảng 30.000 đồng-50.000 đồng/kg. Ngay trong ngày đầu tiên đưa hàng lên kệ, cuccu.vn đã giúp tiêu thụ được hơn 20 tấn thanh long tắc biên.

Cùng với các nền tảng thương mại điện tử, rất nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng đã vào cuộc “giải cứu” nông sản tắc biên. Hy vọng, cũng như những lần nông dân gặp khó khăn trước đây, sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ nhanh chóng giúp bà con nông dân, chủ xe, chủ hàng thoát khỏi tình thế khó khăn trước mắt, sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất.

CHIẾN THẮNG