QĐND Online – Đó là một trong nhiều nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) sáng 15-8. Theo Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), có nhiều nội dung mới được đề xuất nhằm nâng cao vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo một số vấn đề dự kiến giải trình, tiếp thu và xin ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cho biết, nội dung về đại biểu Quốc hội là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo chưa làm rõ vai trò của đại biểu; cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội còn nặng về hành chính; quyền hạn của đại biểu chưa rõ ràng; số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tuy có tăng nhưng chưa đáng kể… Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị tiếp thu ý kiến này của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ ít nhất là 35% lên 40% (Điều 24). Phân định rõ tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách. Thể hiện rõ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như, quyền trình dự án luật, pháp lệnh, trình kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội... Quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu Quốc hội.
 |
Ảnh minh họa: Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Hiến pháp (ảnh: VPQH)
|
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) của UBTVQH cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định để bảo đảm tính độc lập cho đại biểu Quốc hội, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu.
Về số lượng đại biểu Quốc hội (Điều 23), có ý kiến tán thành số lượng đại biểu không quá 500 người như dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị quy định cứng số lượng đại biểu Quốc hội là 500 người hoặc quy định số lượng đại biểu Quốc hội tương ứng theo tỷ lệ dân số hoặc tương ứng theo số lượng dân tộc. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quy định số lượng đại biểu trong Luật này hay trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là Luật quy định về tổ chức của Quốc hội nên số lượng đại biểu Quốc hội - yếu tố cấu thành Quốc hội phải được quy định trong Luật này. Việc quy định số lượng đại biểu Quốc hội không quá 500 người như dự thảo Luật vừa thể hiện số ghế tối đa trong Quốc hội, vừa bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Ngoài ra, để bảo đảm quyền có người đại diện của cử tri, dự thảo Luật đã bổ sung quy định: “Trong nhiệm kỳ Quốc hội, nếu đơn vị bầu cử nào khuyết đại biểu Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định việc bầu bổ sung đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử đó; nếu thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội dưới hai năm thì không tổ chức bầu cử bổ sung” (khoản 2 Điều 23).
Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Điều 24), bên cạnh các ý kiến tán thành tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% như dự thảo Luật, còn nhiều ý kiến đề nghị tăng số lượng này lên ít nhất là 40% hoặc từ 40% đến 45% hoặc 50%. Có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, ngược lại, có ý kiến đề nghị cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương lên tối thiểu là 2 người.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội để dần chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, còn việc tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương hay ở địa phương sẽ tùy thuộc vào công tác bố trí nhân sự và yêu cầu thực tế của từng khóa Quốc hội, do đó, đề nghị không quy định vấn đề này trong Luật.
Về thời gian làm công tác đại biểu của các đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách (khoản 2 Điều 43), có ý kiến tán thành quy định đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành 1/3 thời gian làm công tác đại biểu. Ý kiến khác đề nghị tăng thời gian này ít nhất là 40%, 50% hoặc 70 % hoặc quy định đại biểu không chuyên trách có trách nhiệm dành ít nhất 30 ngày trong năm để hoạt động tại địa bàn nơi mình ứng cử và bổ sung chế tài nếu đại biểu không thực hiện đúng quy định này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đại biểu Quốc hội nước ta được cơ cấu từ nhiều thành phần khác nhau để đại diện cho các tầng lớp xã hội, ngành nghề, dân tộc,... Với tính chất hoạt động không thường xuyên, Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 kỳ nên nếu quy định các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm phải dành quá nhiều thời gian cho hoạt động Quốc hội thì sẽ không khả thi. Để giải quyết được vấn đề này thì cần có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị cho việc thay đổi về cơ chế đại diện, cơ cấu đại biểu. Hiện tại, dự thảo Luật đã quy định tối thiểu có 40% tổng số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nên đây chính là cơ sở để nâng dần tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành 1/3 thời gian làm công tác đại biểu.
Về lương, phụ cấp và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội (Điều 40, Điều 41), có ý kiến cho rằng, các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội chưa có đổi mới, còn nhiều hạn chế. Đề nghị tăng cường hơn nữa các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội như bảo đảm quyền của đại biểu được cung cấp thông tin, hỗ trợ trong việc trình sáng kiến pháp luật, được đảm bảo kinh phí, tiền lương, điều kiện làm việc; đồng thời nâng cao chất lượng và xác định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy giúp việc cho đại biểu. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã tách Điều 57 của dự thảo Luật trình Quốc hội thành 2 điều quy định về lương, phụ cấp và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được trả lương, phụ cấp trách nhiệm hằng tháng theo thang bảng lương của đại biểu Quốc hội; đại biểu Quốc hội được hỗ trợ kinh phí để thực hiện chế độ thuê khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, trang bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội...
NGUYÊN MINH