QĐND - Cho rằng cơ chế phân bổ và việc sử dụng phí, lệ phí hiện hành chưa thực sự công bằng, sáng 29-5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phí và lệ phí, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Không cào bằng và cấm dùng sai

Theo phân tích của đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), ở các đơn vị sự nghiệp công, tỷ lệ cán bộ hưởng lương từ ngân sách khác nhau nên cơ chế trích lại mức phí theo tỷ lệ giống nhau là chưa phù hợp. Thường thì chỉ đội ngũ cán bộ khung của các đơn vị sự nghiệp công được hưởng lương từ ngân sách, nhưng ngay cả như vậy thì tỷ lệ cán bộ khung ở các đơn vị cũng khác nhau. Có đơn vị phải lo tiền lương, tiền công cho 70% người lao động, nhưng có đơn vị chỉ phải lo tiền lương, tiền công cho khoảng 10% lao động. Do vậy, nếu tỷ lệ trích lại giống nhau thì sẽ thiếu công bằng với các đơn vị sự nghiệp công.

Ảnh minh họa.

Có cách tiếp cận khác, nhưng đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cũng cho rằng, chế độ thu, nộp phí, lệ phí như dự thảo Luật Phí và lệ phí là chưa phù hợp, dễ tạo kẽ hở. Cụ thể, có nơi có tỷ lệ phí để lại cho đơn vị thu cao, nhưng đơn vị ấy lãi rất ít; ngược lại, có nơi được trích lại với tỷ lệ thấp, nhưng mức lãi lại rất cao. Điều đó còn phụ thuộc vào từng khu vực và từng loại dịch vụ. Những dự án, công trình, dịch vụ được nhiều người sử dụng thì tỷ lệ trích lại thấp, đơn vị thu phí vẫn được lãi nhiều và ngược lại. Từ đó, đại biểu đề nghị, toàn bộ khoản thu từ phí được chuyển 100% vào ngân sách, sau đó sẽ cân đối lại cho các đơn vị thu trên cơ sở mức lương bình quân và đặc thù của từng đơn vị, như vậy mới công bằng.

Đồng tình với đại biểu Trương Thị Huệ, đồng thời, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm là sử dụng tiền phí và lệ phí trái quy định. Đại biểu cho rằng, phí có điểm rất đặc biệt, đó là phần thu không phải chịu thuế, nên lợi nhuận vì thế rất cao. “Có nhiều cơ quan rất giàu có, thủ trưởng và người trực tiếp thu phí ở các cơ quan ấy cũng giàu có. Vì thế, cần bổ sung thêm điều cấm về việc sử dụng phí, lệ phí không đúng”, đại biểu nhấn mạnh.

Tránh phí trùng phí giao thông

Đại biểu Phùng Văn Hùng nhắc lại những phản ánh của báo chí về việc phí chồng phí, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Đồng ý rằng khi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào giao thông thì nhà đầu tư cần phải thu hồi vốn và có lãi càng nhanh càng tốt, nhưng đại biểu cũng chỉ ra rằng như vậy có thể tạo ra nghịch lý. Chẳng hạn, trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng mức phí đi đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được dự tính là từ 1.000-1.500 đồng/km, tức là cứ đi 100km đã mất khoảng 150.000 đồng tiền phí. Như vậy là quá cao, trong khi đi đường cũ chỉ mất có 40.000 đồng tiền phí. Do vậy, cần có sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp đầu tư với lợi ích của xã hội, người dân và lợi ích của Nhà nước. Riêng những dự án sử dụng toàn bộ bằng ngân sách Nhà nước để đầu tư, đại biểu kiến nghị chỉ nên thu phí ở mức đủ để hoàn vốn, mà không nên đặt vấn đề thu được lợi nhuận hợp lý.

Cũng liên quan đến các loại phí trong giao thông đường bộ, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần phải rà soát lại toàn bộ các loại phí này. Theo quy định, phí sử dụng đường bộ chỉ được sử dụng để duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Trong khi đó, hiện đang có rất nhiều loại phí, như: Phí sử dụng đường bộ thường niên, phí cho từng chặng đường... Trong số các loại phí này, chỉ có phí thường niên là dùng để bảo dưỡng, duy tu hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Các loại phí thu phục vụ các dự án BOT không đúng với quy định nêu trên, mà chỉ đơn thuần phục vụ thu hồi vốn và sinh lời cho các nhà đầu tư, nên phải chuyển vào giá. Cũng vì vậy, đại biểu cho rằng, “dư luận chưa thông” khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu khoảng cách giữa các trạm thu phí nhỏ hơn 70km cũng không sai.

Đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị không đưa vào danh mục loại phí sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè, vì lòng đường, lề đường, vỉa hè chỉ dành cho người tham gia giao thông, không dành để kinh doanh. Để thực hiện đúng luật, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì "lòng đường, lề đường, vỉa hè phải được trả lại đúng vị trí của nó, dù khó cũng phải làm". “Nếu còn thu phí sử dụng thì sẽ không bao giờ trả lại đúng vị trí của lòng đường, lề đường và vỉa hè”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đồng tình với điều này, rằng cần mạnh tay để loại bỏ việc sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. “Thời tôi còn làm ở Đà Nẵng, chúng tôi cũng rất mạnh tay. Nếu không thì người ta vẫn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lề đường để kinh doanh. Lấn chiếm thì lại phải thu phí, rốt cuộc đâu lại vào đấy”, đại biểu nói.

Cũng trong buổi sáng 29-5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

Chiều 29-5, các đại biểu tự nghiên cứu tài liệu.

Không nên thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, việc nuôi con nuôi xuất phát chủ yếu từ nhu cầu của các gia đình hiếm muộn và đối tượng được nhận làm con nuôi chủ yếu là trẻ mồ côi. Đây là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi vậy, không nên quy định việc thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và lệ phí cấp phép các tổ chức nuôi con nuôi trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

CHIẾN THẮNG