QĐND Online – Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; Dự án Luật Phí, lệ phí. Các đại biểu đều cho rằng, xã hội, đất nước đang đặt ra đòi hỏi bức thiết nên việc soạn thảo 2 dự án luật này là cần thiết và nên sớm được thông qua. Tuy nhiên, tham gia đóng góp ý kiến, các đại biểu kiến nghị cần rà soạt cụ thể để đưa ra những quy định phù hợp, chính xác hơn…
 |
Thảo luận tại Tổ 4. |
Để lại tiền phí thu được dễ phát sinh tiêu cực
Theo Dự thảo Luật Phí, lệ phí, phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, không chịu thuế. Cơ quan thu được để lại một phần tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí; phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Nhiều đại biểu kiến nghị cân nhắc lại quy định này. Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, quy định chưa định lượng khiến việc áp dụng không thống nhất. Từ đó đại biểu Thanh kiến nghị quy định để lại khoảng 30% để các đơn vị này chủ động điều hành.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại có ý kiến trái chiều. Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị không để lại một phần thu cho cơ quan thu vì phí thuộc ngân sách Nhà nước nên phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền mới xem xét quyết định kinh phí trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí và phần này lấy từ ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cũng chỉ ra, nếu quy định đơn vị thu được để lại một phần thu thì phải quy định rõ mức để lại. Mặt khác, trái với phí, lệ phí thì đơn vị thu phải nộp hết vào ngân sách Nhà nước, do vậy, các đơn vị thu thường muốn các khoản thu đề mang tên “phí” để có thể giữ lại một phần. Trong khi đó, quy định về phí và lệ phí trong dự thảo chưa rõ ràng, có cái gọi là phí cũng đúng mà lệ phí cũng đúng. Do vậy, cần phải làm rõ khái niệm phí và lệ phí để minh bạch. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu góp ý vì cho rằng khái nhiệm phí và lệ phí trong luật còn chưa rõ ràng, cụ thể.
Nhiều đại biểu chỉ ra, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tất cả các loại thu, chi phải được dự toán và theo luật định. Việc quy định để lại một phần thu ở đây là không nằm trong dự toán, do vậy, cần phải sửa đổi theo hướng nộp hết vào ngân sách Nhà nước, đúng theo tinh thần của Hiến pháp.
Cùng với đó, các đại biểu đều khẳng định, đây là luật hết sức quan trọng, nhạy cảm vì có liên quan quyền, nghĩa vụ không chỉ Nhà nước, doanh nghiệp mà còn của người dân. Do vậy, cần quy định sao cho tránh tạo ra “gánh nặng” quá lớn cho người dân.
Hạch toán theo giá nào?
Đây là vấn đề được nhiều đại biểu góp ý khi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán; cũng là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự đúng đắn của kế toán nhưng theo các đại biểu, quy định còn chưa chặt, chưa hợp lý và khó hiểu.
 |
Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh): Hạch toán theo giá nào? |
Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) đặt câu hỏi khi kế toán hạch toán theo giá nào? Lần này sửa đổi đã đưa ra khái niệm giá trị hợp lý là: “Giá trị tài sản có thể được trao đổi hoặc giá trị một khoản nợ được thanh toán một cách tự nguyện giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong sự trao đổi ngang giá”. Đại biểu Dũng cho rằng, giải thích từ ngữ như thế này là không rõ, khó hiểu, như… văn dịch nước ngoài sang Tiếng Việt.
Đại biểu Bùi Đức Thụ không đồng ý với tên gọi “giá trị hợp lý”. Theo đại biểu Thụ, gọi như vậy dễ dẫn đến tùy tiện, người bảo hợp lý người lại bảo không. Như vậy, dễ dẫn đến không hợp lý và sai lạc. Bản chất giá trị hợp lý là giá cả thị trường, nhưng có cái không biểu hiện trên giá cả thị trường, nên cần cân nhắc sao cho đầy đủ. Đại biểu Thụ kiến nghị nên dùng tên gọi là “giá cả thực tế”.
Đồng tình với ý kiến khái niệm giá trị hợp lý khó hiểu, khó áp dụng, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đã chỉ ra một loạt quy định khó hiểu, như: “Công cụ tài chính” tại khoản 3, Điều 7 là gì? Quy định “Việc ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính cần ưu tiên phản ánh đúng bản chất của giao dịch hơn hình thức diễn ra giao dịch” là bình luận hay quy định pháp luật… Từ đó, đại biểu đề nghị cần rà soát lại toàn bộ luật cũng như các luật liên quan để quy định hợp lý, chính xác.
Bài, ảnh: XUÂN DŨNG