Trong 3 tháng qua, có gần 90% DN trong vùng tạm ngừng hoạt động. Các DN có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5% đến 10% công suất. "Bão" lớn dần đi qua cũng là lúc nhiều DN trong vùng xây dựng “kịch bản” tái thiết...
Tìm cơ hội trong thách thức
Trong nhiều tháng qua, với tốc độ càn quét của dịch Covid-19, rất nhiều “vùng đỏ" đã xuất hiện khắp các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực DN. Các DN vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, kể từ khi Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đến nay, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã phải “đóng băng” hoạt động SXKD. Hiện chỉ còn khoảng 250 DN hoạt động cầm chừng trong tổng số 75.000 DN tại ĐBSCL. Kết quả khảo sát gần đây của VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho thấy, doanh thu của hầu hết các DN vùng ĐBSCL còn hoạt động trong quý II-2021 đều giảm sút 40%-50%.
 |
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xanh Việt. |
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề, song trước bối cảnh dịch bệnh đang dần được kiểm soát, DN trong vùng cũng đã chuẩn bị tâm thế để bước vào giai đoạn sản xuất, thích ứng và khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Là DN hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực thủy sản-ngành hàng chịu tác động nặng nề trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam cũng sớm có giải pháp thích ứng Covid-19. Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: "Hiện chúng tôi đã có hệ thống giám sát tự động đo thân nhiệt dùng tia laser hồng ngoại kết hợp phần mềm chấm công và nhận diện khuôn mặt đặt tại cửa ra vào công ty để phát hiện người có triệu chứng nóng sốt hơn 38°C. Bên trong phân xưởng làm việc cũng lắp đặt một hệ thống như thế. Nếu phát hiện, hệ thống sẽ báo ngay đến bộ phận bảo vệ và y tế của công ty tiến hành cách ly, xét nghiệm nhanh để kịp thời ứng phó. Công ty cũng xây dựng mô hình “2 xanh, 1 sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên sạch). Đối với sản xuất, chúng tôi áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị, kiểm soát rủi ro, chi phí, chuyển đổi số để vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có thêm cơ hội dù ở giai đoạn thị trường chung khó khăn vì dịch".
Chọn lựa thực hiện kết hợp nhiều phương án trong giai đoạn phục hồi, khởi động lại sản xuất cũng là cách mà Công ty TNHH Cỏ May áp dụng. Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May nhìn nhận: "Suốt thời gian giãn cách xã hội, DN như một chiếc lò xo bị nén lại. Vì vậy, để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, công ty đã lựa chọn khôi phục sản xuất theo lộ trình. Theo đó, trong số các loại hình kinh doanh, công ty chọn ra nhóm sản phẩm có nhu cầu cao nhất của thị trường thời điểm hiện tại để phát triển, lấp chỗ trống cho những phân khúc đang bị đứt gãy. Theo đó, nhóm sản phẩm thức ăn thủy sản đã tăng thị phần đáng kể trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, hiện công ty đã lên phương án hoạt động theo mô hình “bong bóng”, có thể hiểu đơn giản là chia nhân viên thành các nhóm, hay còn gọi là các “bong bóng”, và trong quá trình lao động, sản xuất, những người này hoàn toàn không tiếp xúc với đồng nghiệp bên ngoài “bong bóng” của họ. Công ty dự kiến chia bộ phận sản xuất thành 3 ca độc lập, mỗi ca lại chia thành nhiều nhóm để hạn chế tiếp xúc. Điều này vừa giúp công ty duy trì sản xuất, vừa bảo đảm an toàn”.
Doanh nghiệp cần thêm trợ lực để phục hồi
Mặc dù đã cố gắng để duy trì và phục hồi sản xuất, tuy nhiên thời điểm mở cửa lại là lúc DN phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn. Họ cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ nữa để sớm ổn định sản xuất.
 |
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Lãnh đạo một DN chế biến cá tra lớn ở ĐBSCL (xin giấu tên) cho biết: Do tác động của dịch Covid-19, DN duy trì sản xuất khoảng 20-30%. Mô hình “3 tại chỗ” đang được DN duy trì tốt. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng lo ngại dịch bệnh nên dù DN hoạt động theo hình thức “3 tại chỗ” khá hiệu quả nhưng vẫn bị vướng vào rất nhiều quy định ràng buộc liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Bởi vậy, DN mong muốn các địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện để ổn định sản xuất, nhất là vấn đề nguồn lực, giao thông...
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ DN, theo nhiều chuyên gia mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra không ít giải pháp và tổng lực hỗ trợ DN như: Các chính sách về gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD; hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi suất cho vay... nhưng "sức khỏe" của các DN vẫn cho thấy sự suy giảm trầm trọng. Lý giải điều này, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng: Việc giảm lãi vay chỉ phù hợp đối với DN vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất, dòng tiền chưa bị suy kiệt. Hoặc như chính sách giảm thuế thu nhập DN cũng chỉ áp dụng cho DN còn ghi nhận lãi. Bởi vậy, khi DN rơi vào tình trạng đóng cửa thì việc giảm thuế không còn ý nghĩa. Điều mong mỏi nhất của DN lúc này là tiếp tục được “cấp cứu” dòng tiền thông qua chính sách tiền tệ như: Giảm lãi, khoanh nợ, hoãn nợ, cơ cấu nợ, vay vốn mới...
Tương tự, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: Hiện còn rất nhiều chính sách chỉ nằm trên giấy do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện quá chặt. Chẳng hạn, ngay từ tháng 3-2020, Chính phủ đã có các nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ DN khi dịch mới xảy ra, nhưng có những chính sách (như hỗ trợ DN vay quỹ để trả lương cho công nhân) thì đến tháng 10-2020 vẫn chưa có DN nào vay được. Cho đến nay, số DN có thể tiếp cận được nguồn vay này là rất ít. Bên cạnh đó, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của DN còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của DN. “Muốn DN sớm “hồi phục sức khỏe”, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN để góp phần tìm ra tiếng nói chung trong thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách. Từ đó, giúp cải thiện các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hỗ trợ “đúng, trúng, đủ” và mang tính dài hạn hơn. Làm sao để những chính sách đã ban hành nhanh đi vào thực tiễn nhất, phù hợp với các DN từng ngành, từng lĩnh vực và từng giai đoạn”, ông Tuấn đề xuất.
Bài và ảnh: THÚY AN