QĐND - Huyện Lăk nằm về phía đông nam của tỉnh Đắc Lắc. Toàn huyện có số dân gần 63.000 người, thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 63%. Huyện không có thế mạnh phát triển kinh tế như các địa phương khác của tỉnh Đắc Lắc, sản xuất nông nghiệp chỉ phát triển được lúa nước, khoai sắn và chăn nuôi, nên thu nhập của người dân không cao. Vì thế, Lăk thuộc huyện khó khăn nhất tỉnh Đắc Lắc, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn hơn 25%.

Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên và xã hội đã tạo cho huyện lợi thế nhất định trong phát triển du lịch. Các điều kiện tự nhiên như: Rừng, sông, suối, thác, hồ và những di tích lịch sử, văn hóa truyền thống chính là những “tài nguyên du lịch” rất lớn để huyện Lăk khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trao đổi với chúng tôi về tiềm năng phát triển du lịch, ông Hoàng Ngọc Tài, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết: “Trên địa bàn huyện Lăk có nhiều danh thắng nổi tiếng như hang Đá Ba Tầng ở xã Krông Nô; hồ Lăk trên địa bàn các xã: Đắc Liêng, Giang Tao và thị trấn Liên Sơn; khu đồi Biệt điện Bảo Đại ở thị trấn Liên Sơn... Những danh thắng trên cộng với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh, nghề truyền thống đã tạo cho huyện chúng tôi tiềm năng du lịch, có sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước”.

Ngày 11-5-1993, Di tích lịch sử-văn hóa “Thắng cảnh hồ Lăk” (gồm cả quần thể khu đồi Biệt điện Bảo Đại và hồ Lăk) được công nhận di tích cấp quốc gia. Từ đó đến nay, thắng cảnh hồ Lăk đã được đầu tư tôn tạo để khai thác, phát triển du lịch. Riêng khu đồi Biệt điện Bảo Đại từ năm 2004 đã được cải tạo, sửa chữa thành khu du lịch khách sạn-nhà hàng, với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Từ khi đưa vào khai thác, khu đồi Biệt điện Bảo Đại đã tạo thêm điểm nhấn cho bản đồ du lịch huyện Lắc. Đặc biệt, điểm du lịch này còn được đưa vào sách hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Bình quân mỗi năm, khu đồi đón hơn 5000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan, lưu trú.

Lễ hội đua voi bên hồ Lăk được tổ chức vào tháng 3 hằng năm, là một trong những hoạt động thu hút khách du lịch.

Trong khai thác di tích thắng cảnh, trước hết phải kể đến hồ Lăk. Hiện hồ Lăk do Ban Quản lý di tích huyện Lăk quản lý, có diện tích 600ha, nối liền với dòng sông Krông Na. Quanh bờ hồ là núi, rừng, buôn làng đồng bào M’nông, đã tạo nên cảnh quan thơ mộng. Ngoài giá trị cảnh quan, hồ còn cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất và nguồn thủy sản rất lớn cho người dân trong và ngoài huyện. Nhằm bảo vệ cảnh quan, sinh thái hồ Lăk, gần đây huyện đã thành lập “Hội nghề cá” và các đội chuyên trách bảo vệ hồ, nên đã hạn chế được nạn khai thác thủy sản trái phép, giảm dần tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt. Đối với hang Đá Ba Tầng tại xã Krông Nô. Trong kháng chiến chống Mỹ, hang Đá Ba Tầng là địa điểm nuôi giấu cán bộ cách mạng, nơi để cán bộ và nhân dân vùng hậu cứ tránh bom đạn địch. Hang nằm cách trung tâm xã 16km, trong có nhiều ngách nhỏ, có sức chứa khoảng 1000 người. Hiện nay, hang Đá Ba Tầng chưa có phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và lịch sử. Cũng như hang Đá Ba Tầng, thác Bìm Bịp ở xã Yang Tao và suối Đá ở xã Đắc Phơi là những thắng cảnh mới phát hiện, chưa được đưa vào đầu tư phát triển du lịch. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Đắc Lắc đã khảo sát, thẩm định, đưa Khu di tích thắng cảnh hang Đá Ba Tầng, thác Bìm Bịp và suối Đá vào chương trình phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Từ năm 2004, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chọn buôn M’liêng, xã Đắc Liêng, huyện Lăk để đầu tư bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông Rlâm. Buôn M’liêng nằm sát bên hồ Lăk, có diện tích 3.255ha, 104 hộ với 540 nhân khẩu. Đến năm 2009, công tác bảo tồn buôn cổ M’liêng đã hoàn tất. Kết quả đã đầu tư phục dựng 6 nhà dài truyền thống; khôi phục nghề truyền thống; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng. Thông qua việc bảo tồn buôn cổ M’liêng đã tuyên truyền, giáo dục cho bà con ý thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, biết khai thác văn hóa truyền thống vào phát triển du lịch, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.

Được biết, từ năm 2010 đến nay, huyện Lăk đón gần 230.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu hơn 51 tỷ đồng. Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn 2030, huyện Lăk tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; khuyến khích các doanh nghiệp từng bước đầu tư, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Trước mắt, UBND huyện Lăk sẽ tập trung huy động các nguồn lực thực hiện Dự án khu du lịch sinh thái hồ Lăk trên diện tích 49,55ha, tổng đầu tư 50 tỷ đồng; đầu tư xây dựng điểm nghỉ dưỡng sinh thái hồ Lăk trên diện tích 11ha, tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Cùng với đó là lập dự án quy hoạch khu di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn để có phương án trùng tu, bảo vệ, khai thác có hiệu quả và hình thành các tua du lịch. Thông qua phát triển du lịch, huyện Lăk thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH - KIM PHƯỢNG