Dự báo sức mua thị trường sẽ tăng 15-20%

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương nhận định, sức mua trên thị trường sẽ tăng 15-20%; trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ bắt đầu tăng cao từ ngày 30, 31-1-2021 (là ngày 18, 19 tháng Chạp), đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng.

Người dân mua hàng tại siêu thị Co.opmart Hà Nội.

Ở khâu sản xuất, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cân đối về cung sản xuất ngành nông nghiệp có thể bảo đảm cho nhu cầu lương thực, thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng như quý I-2021. Đáng chú ý, với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, bảo đảm không bị thiếu hụt thực phẩm. Tuy nhiên, do hậu quả của đợt bão, lũ vừa qua có thể việc phục hồi đàn vật nuôi tại một số địa phương gặp khó khăn và triển khai chậm, việc vận chuyển giữa các khu vực cũng gặp khó khăn nhất định.

Trước đó, ngay từ tháng 10-2020, Bộ Công Thương đã có chỉ thị gửi sở công thương các tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh; các phương án xử lý biến động bất thường của thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch dự trữ bình ổn thị trường. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cũng đều có kế hoạch tăng cường sản xuất, tăng dự trữ, nhập khẩu... bảo đảm cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ Tết Nguyên đán 2021.

Giá cả ổn định, hàng hóa đầy đủ

Liên quan tới tình hình cung ứng hàng hóa, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, hiện người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần chú ý yếu tố này. Về giá cả, do nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình chuẩn bị Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn.

Cuối năm, tình hình buôn bán, hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp hơn, chính vì vậy, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, công tác chống buôn lậu, kiểm soát thị trường được QLTT đẩy mạnh. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng nóng, trọng điểm, như: Thuốc lá điếu, xì-gà, rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm... Đây là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích về niêm yết giá, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm; xử lý nghiêm việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trà trộn hàng giả, hàng không rõ xuất xứ...

Nhận định nguồn hàng phục vụ thị trường vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021 sẽ được bảo đảm, không có việc "sốt" hàng hoặc giá cả tăng cao đột biến, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khuyến nghị người dân tránh tâm lý tích trữ hàng hóa. Đồng thời, lưu ý các địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động các biện pháp, đưa ra các giải pháp điều tiết hàng hóa để tránh chỗ này thừa, chỗ khác lại thiếu. Bộ Công Thương sẽ thường xuyên bám sát tình hình cung cầu giá cả, đồng thời phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng... để ưu tiên kịp thời, bảo đảm tốt nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.

Bài và ảnh: KHÁNH AN