Tuy nhiên, hiện nay, những lĩnh vực sản xuất tiềm ẩn rủi ro cao như nông nghiệp, ngư nghiệp lại ít có đơn vị bảo hiểm mặn mà trong khi vai trò của bảo hiểm đối với nông dân, ngư dân không kém phần quan trọng. Thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp là vấn đề được đặt ra khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Ảnh: Baobackan.com.vn |
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội khác. Quy định này được đánh giá là đúng đắn nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đó là bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp chịu rủi ro khó lường nên doanh nghiệp ngần ngại tham gia. Lấy ví dụ từ bảo hiểm cho tàu cá, đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho biết, cử tri có ý kiến về việc một số doanh nghiệp bảo hiểm tạm dừng nhận bảo hiểm tàu cá, với lý do thua lỗ, thu không đủ bù chi, cho dù Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ.
Từ những vấn đề thực tiễn đặt ra có thể thấy, để thúc đẩy cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua bảo hiểm đối với những lĩnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp cần phải có chính sách hỗ trợ cho cả hai phía, người dân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp khai thác bảo hiểm. Đối với nông dân, ngư dân, đa số thu nhập còn thấp, cùng với tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm, cần nghiên cứu giảm mức phí này. Sản phẩm bảo hiểm cần đa dạng hơn với những điều khoản, quy tắc hỗ trợ đơn giản hơn để tăng sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên dẫn đến rủi ro cao cho doanh nghiệp bảo hiểm. Để làm được điều này, cần tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất theo hướng ổn định, bền vững, chú trọng liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó, giảm rủi ro và nâng cao sức cạnh tranh.
Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho người dân, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng có quy định tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các loại hình bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, bảo hiểm phục vụ an sinh xã hội. Trong đó có việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thiết lập các quỹ rủi ro bảo hiểm, thiết lập kênh phân phối, hỗ trợ về ứng dụng công nghệ... Đẩy mạnh các loại hình bảo hiểm cho nông dân, ngư dân không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội mà còn giúp họ tiếp cận thuận lợi hơn với các nguồn lực bao gồm cả vốn tín dụng để đầu tư cho sản xuất. Đó cũng là nền tảng quan trọng đưa những người nông dân, ngư dân dám nghĩ, dám làm vươn lên mạnh mẽ, góp sức cho phát triển đất nước.
MẠNH HƯNG