QĐND - Phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, sáng 14-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Quốc hội thực hiện chất vấn “quét”. Theo đó, việc chất vấn sẽ được tiến hành với toàn bộ việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ hai đến Kỳ họp thứ chín để “truy đến cùng, không đánh trống bỏ dùi”.
Chủ tịch Quốc hội nói, qua 9 phiên chất vấn, Quốc hội ra 9 nghị quyết chất vấn với 5 thành viên Chính phủ, mỗi thành viên Chính phủ có ít nhất 3 vấn đề. Tổng thể có khoảng 150 vấn đề. Tuy nhiên, trong khoảng 150 vấn đề đó, có những vấn đề rất lớn, có những vấn đề rất cụ thể, có những vấn đề lặp đi, lặp lại. Do vậy, chỉ cần lựa chọn 4 đến 5 vấn đề lớn để yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo thực hiện 9 nghị quyết ấy đến nay như thế nào? Căn cứ vào 3 báo cáo đó, đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn. Sau khi chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết chung về việc thực hiện nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn, còn những tồn tại gì lớn, Chính phủ nhiệm kỳ tới phải tiếp tục thực hiện như thế nào…
 |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ, vấn đề bảo đảm an toàn hồ, đập thủy điện, kết quả rà soát thế nào, bỏ bao nhiêu, tiếp tục bao nhiêu, sửa đổi thiết kế xây dựng bao nhiêu, kế hoạch còn lại bao nhiêu dự án để tiếp tục làm, trồng rừng thay thế ra sao… Đi đôi với đó là hồ, đập thủy lợi. Hồ, đập thủy lợi gắn liền với vấn đề nóng là tình hình hạn hán, việc chống hạn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ an toàn cho hồ, đập thủy lợi để giữ nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống…
Cũng phát biểu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh tới hiện tượng lặp đi lặp lại vấn đề, nhưng cách trả lời chất vấn vẫn như thế, dẫn tới không rõ được thực trạng, hiệu quả của chính sách, chủ trương và "trách nhiệm lại càng không rõ”. Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng, với các bộ trưởng, một vấn đề cụ thể xảy ra tại một địa phương cụ thể có thể không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu hiện tượng đó lặp đi lặp lại nhiều lần, thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước, bởi sau khi vấn đề xảy ra, bộ trưởng phải có trách nhiệm tổng kết để rút kinh nghiệm, tìm biện pháp khắc phục, sửa đổi.
“Mệt mỏi vì nghe phát biểu chuẩn bị sẵn”
Cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ chín, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị, thông tin khoa học cung cấp cho đại biểu tham khảo cần phải bảo đảm tính chính xác và phải là kết quả nghiên cứu khoa học, ít nhất cũng phải là kỷ yếu hội thảo khoa học, phải có tư liệu và địa chỉ rõ ràng. Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa lấy ví dụ, ngay trước khi Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Trung tâm Nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp cung cấp chuyên đề nghiên cứu về một số vấn đề góp ý đối với dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), trong đó nêu nhiều vấn đề không đúng. Có thể vì tham khảo tài liệu này, nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến gần giống nhau. Tuy nhiên, sau đó, dự thảo luật vẫn được 100% đại biểu có mặt biểu quyết thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đồng tình với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc khắc phục tình trạng các đại biểu Quốc hội đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn để tăng không khí tranh luận. Nhiều phiên họp tại hội trường có không khí rất sôi nổi, lôi cuốn do có tranh luận tại hội trường, thu hút sự quan tâm của cả đại biểu Quốc hội, báo chí và cử tri, nếu phiên họp được truyền hình trực tiếp. “Nhưng rất tiếc, không phải tất cả các phiên họp của chúng ta đều có không khí này. Thậm chí, có những bài phát biểu trùng lắp nhau, nhưng vì chuẩn bị sẵn rồi, không thể không xuất hiện và cũng không rút tên đăng ký. Thành ra, nhiều khi nghe rất mệt mỏi”-Chủ nhiệm Trương Thị Mai nói.
Trái lại, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đánh giá, việc đọc bài phát biểu chuẩn bị trước cũng chưa hẳn là không hay nếu bài phát biểu được chuẩn bị tốt. Ông lấy ví dụ, đại biểu Lê Thị Nga trong kỳ họp vừa rồi chỉ chọn một vấn đề để phân tích nên rất sâu. Trong khi đó, có những bài phát biểu trực tiếp, chưa chuẩn bị lại có nội dung rất lỏng lẻo.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhất trí với Chủ nhiệm Phan Trung Lý, nhưng cũng khẳng định, trong kỳ họp vừa rồi, có nhiều bài “hình như đã được chuẩn bị sẵn do một đề án nào đó”, nên đại biểu phát biểu lặp đi lặp lại. Nếu bớt được điều đó thì sẽ bớt được thời gian thảo luận, vì thời gian dành cho thảo luận ở 2 kỳ họp cuối nhiệm kỳ không còn nhiều.
Thông cáo của UBTVQH
Cuối giờ chiều 14-7, UBTVQH ra thông cáo nêu rõ, tại họp Phiên thứ 39, UBTVQH xem xét, đánh giá kết quả Kỳ họp thứ chín, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Sau khi thảo luận, UBTVQH nhất trí cho rằng, sau hơn một tháng làm việc, với tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm, Kỳ họp thứ chín đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Kết quả của kỳ họp tiếp tục góp phần tích cực đưa Hiến pháp vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri cả nước, được nhân dân đánh giá cao.
UBTVQH hoan nghênh các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức và nhân dân cả nước đã góp phần quan trọng để kỳ họp thành công. Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Hiến pháp, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình, rút kinh nghiệm, tích cực chuẩn bị tổ chức tốt hơn Kỳ họp thứ mười sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10-2015.
UBTVQH cơ bản nhất trí với dự kiến về nội dung, thời gian tổ chức Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII.
Sau khi cho ý kiến về Kế hoạch Triển khai việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, UBTVQH đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai công tác chuẩn bị, tiến hành tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII theo chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH đã thông qua các nghị quyết về việc thành lập một số Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân ở một số đơn vị hành chính cấp huyện vừa được chia tách, thành lập mới và cho ý kiến về một số nội dung khác.
CHIẾN THẮNG