QĐND - Sáng 28-5, GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khi đi kiểm tra, thăm và tặng quà cho các cháu bé bị nhiễm độc chì tại làng nghề tái chế chì Đông Mai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã yêu cầu chính quyền địa phương sớm có biện pháp di dời ngay 13 hộ dân làm nghề tái chế chì ra khỏi thôn Đông Mai vì mức độ ô nhiễm chì tại đây đang ở mức báo động.
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương có nhiều cố gắng trong việc cải tạo tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng trong đợt kiểm tra, tình trạng ô nhiễm chì tại thôn Đông Mai vẫn đang ở mức đáng báo động.
Trước đây thôn Đông Mai có khoảng 400 hộ gia đình làm nghề sản xuất tái chế chì, đến nay chỉ còn lại 13 hộ gia đình sản xuất tái chế chì rải rác, xen lẫn trong dân cư, các cơ sở khác đã được di dời. Hiện tại 13 hộ chưa di dời vẫn tiếp tục gây tình trạng nhiễm độc chì đối với người thân trong gia đình, thậm chí cho cộng đồng và những người dân sống xung quanh.
Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế trong 2 ngày 16 và 17-5 cho 618 người (trong đó 283 người lớn và 335 trẻ em), trong 317/335 trẻ em đã có kết quả xét nghiệm có tới 207 (chiếm 65,3%) trẻ bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ, chỉ có 110 trẻ (chiếm 34,7%) không bị ngộ độc chì.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, để bảo vệ sức khỏe người dân thôn Đông Mai khỏi tình trạng nhiễm độc chì, GS, TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu chính quyền địa phương cần có các biện pháp khẩn trương, tích cực để di dời 13 hộ dân đang sản xuất, tái chế chì xen lẫn trong khu dân cư chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để loại trừ hoàn toàn chì ra khỏi môi trường sinh sống hằng ngày của người dân. Áp dụng đồng loạt các biện pháp khác như hỗ trợ lát gạch men, bê tông hóa nền nhà, sân chơi, thay đất trong vườn, cung cấp nước sạch không sử dụng thực phẩm được nuôi, trồng trong khu vực bị ô nhiễm chì... Đồng thời Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Quản lý môi trường y tế và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế khẩn trương có kết quả xét nghiệm của 618 người dân đã được lấy mẫu máu để gửi cho chính quyền địa phương, trên cơ sở có kết quả xét nghiệm để tiến hành điều trị thải độc chì cho người bị nhiễm, ưu tiên trẻ em, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, chuẩn bị mang thai.
Đối với 207 cháu đã có kết quả xét nghiệm, giao cho Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị thải độc chì cho các cháu, ưu tiên các cháu nhiễm độc nặng điều trị trước, trường hợp nhẹ có thể xem xét điều trị tại Bệnh viện huyện Văn Lâm. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thực hiện việc xét nghiệm chì máu miễn phí cho nhân dân trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị theo phác đồ điều trị và theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc điều trị thải độc chì Bộ Y tế đã làm việc với các cơ quan chức năng và đã có trong danh mục thuốc Bảo hiểm y tế, Bộ đã chỉ đạo cho các công ty cung ứng đầy đủ theo nhu cầu điều trị.
Bên cạnh việc điều trị thải độc chì, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, tái chế chì tại cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu tác hại của nhiễm độc chì và có các biện pháp phòng, tránh cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng giao cho Hội thầy thuốc trẻ khám sức khỏe, sàng lọc và phát hiện bệnh ở các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng khác.
THU HƯƠNG