Cử tri NGUYỄN THỊ HOA (phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam): Nên giảm tải chương trình học cho học sinh

Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của ngành giáo dục trong việc duy trì cho học sinh học trực tuyến. Tôi biết rất nhiều thầy, cô giáo đã phải tự trang bị thêm kiến thức về công nghệ thông tin và kỹ thuật, để tăng tính hấp dẫn cho bài giảng và để bài giảng trực tuyến không bị ngắt quãng bởi các sự cố về kỹ thuật. Phụ huynh cũng gặp áp lực rất lớn khi phải vừa làm việc, vừa trông chừng, để mắt đến việc học của con cái. Rất nhiều phụ huynh phải nhường máy tính, ưu tiên việc học cho con trong bối cảnh họ cũng rất cần máy tính để làm việc trực tuyến.

Học sinh học trực tuyến cũng gặp áp lực rất lớn trên nhiều phương diện, như: Khó tập trung cho bài học, rất nhiều trục trặc kỹ thuật nằm ngoài khả năng xoay xở của các cháu, khối lượng kiến thức đầu vào mỗi ngày và áp lực trả bài cho giáo viên cũng rất lớn. Một điều rất bất hợp lý là nếu như học trực tiếp, học sinh chỉ phải học 45 phút mỗi tiết học và giữa các tiết học đều có giải lao, nhưng khi học trực tuyến thì học sinh phải học liên tục 3-4 giờ mỗi buổi học. Trong khi đó, thị lực của trẻ em vốn rất dễ bị tổn thương nếu dùng máy tính trong thời gian dài liên tục như vậy.

Vì vậy, tôi rất đồng tình với phần tranh luận của Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn rằng cần giảm tải chương trình học cho học sinh, giảm tải càng nhiều càng tốt. Theo tôi, việc giảm tải không chỉ trong từng môn học, mà cần mạnh dạn giảm tải cả những môn học có thể khuyến khích các con tự tìm hiểu, học tập trong sách hoặc tài liệu tham khảo. Mỗi buổi học chỉ nên bố trí chương trình học cho học sinh, nhất là học sinh bậc tiểu học, tối đa 4 tiết học và mỗi tiết học không nên kéo dài quá 30 phút, giữa các tiết học cần có thời gian nghỉ 10-15 phút để các cháu phục hồi thị lực.

Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên có chương trình khung dạy học trực tuyến áp dụng thống nhất trên toàn quốc, để giáo viên, nhà trường, phụ huynh và học sinh đều được giảm tải mà vẫn bảo đảm chất lượng dạy và học. THÙY LÂM (ghi)

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TRỌNG HẢI 

*Cử tri PHAN HỮU THẠCH (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng): Chủ động, linh hoạt trong tinh giản chương trình

Do tình hình mưa lũ xảy ra liên miên, cùng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngành giáo dục ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói riêng, phạm vi cả nước nói chung bị thiệt hại khá nặng nề về cơ sở vật chất, như: Phòng học, trang thiết bị, sách vở, đồ dùng... Vì vậy, nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học dài ngày.

Để giáo viên, học sinh ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và dịch Covid-19 sớm ổn định việc dạy và học, tôi kiến nghị các trường học cần chủ động, linh hoạt trong việc tinh giản chương trình; điều chỉnh các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ phù hợp với đặc điểm từng trường; bảo đảm học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản; tránh tình trạng gây quá tải chương trình cho học sinh khi quay trở lại trường học tập. Mặt khác, các địa phương nên căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ học để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cũng như tổ chức dạy bù cho học sinh. Kế hoạch dạy bù cần tính toán phù hợp, tránh tình trạng dồn ép, giúp học sinh tiếp thu được những kiến thức cơ bản; đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ. Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục linh hoạt, không gây quá tải cho học sinh. Để bảo đảm tất cả học sinh vùng lũ có sách vở khi trở lại trường, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục huy động các nguồn lực, kêu gọi các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm chung tay, góp sức ủng hộ, tặng sách, vở cho học sinh vùng lũ; thăm hỏi, động viên học sinh, giáo viên và những gia đình có học sinh, giáo viên bị nạn, bị ảnh hưởng bởi tình hình mưa lũ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong thời gian qua, học sinh nhiều địa phương phải học tập bằng hình thức trực tuyến (online). Theo tôi, để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, ngoài việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng bị lụt bão, vùng dịch nặng nề các thiết bị học trực tuyến, các cấp, ngành cũng hướng tới phủ sóng internet ở những vùng chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng. Muốn vậy, trước mắt, ngành giáo dục các địa phương cần sớm thống nhất chương trình học ở mỗi cấp, phải rút ngắn bảo đảm ở mức có thể chuyển tải đủ nội dung cần thiết. Các nhà trường cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho giáo viên gửi bài giảng, giao bài tập giúp học sinh có thể tự học tập tại nhà. Ngoài ra, cần sớm ban hành bộ giáo án giảng dạy trên truyền hình đối với mỗi cấp học, để từ đó giúp học sinh xem qua truyền hình ở những khung giờ phù hợp và có thể phát lại nhiều lần trong ngày. TRUNG TIẾN (ghi)

*Cử tri NGUYỄN KIÊN THÀNH (phường 8, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh): Chú trọng nhiều hơn đến chất lượng học trực tuyến

Dạy và học trực tuyến là phương thức đang thích ứng hiệu quả với đại dịch Covid-19 để giúp học sinh duy trì chương trình học tập. Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp và học trực tuyến cũng bộc lộ nhiều vướng mắc liên quan đến sức khỏe, tâm lý... của học sinh lẫn giáo viên. Ở góc độ phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2021-2022, tôi thấy học trực tuyến thiếu môi trường tương tác trực tiếp với giáo viên, bạn bè là thách thức lớn với trẻ nhỏ. Bởi việc dạy và học trực tuyến ảnh hưởng đến các kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan cho trẻ lớp 1. Tôi cũng mong rằng giáo viên sẽ thiết kế bài giảng sinh động, hấp dẫn để tạo cho học sinh có tâm lý háo hức khi bắt đầu giờ học, cũng như chờ đợi được đến với buổi học sau.

Qua theo dõi phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, tôi thấy các đại biểu Quốc hội và cử tri cũng rất quan tâm đến việc dạy và học trực tuyến. Tôi đồng tình với những vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Việc dạy học trực tuyến khó có thể thay thế trực tiếp, nhất là với các lớp bậc tiểu học, các lớp đầu cấp, cuối cấp bậc THCS và THPT. Vấn đề thiết bị học tập trực tuyến là rất quan trọng, trong khi rất nhiều học sinh gặp khó khăn này, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa và vấn đề công nghệ thông tin, đường truyền internet không phải chỗ nào cũng ổn định. Ngay TP Hồ Chí Minh là đô thị hiện đại nhưng trước tác động lớn của dịch Covid-19 vừa qua, không ít học sinh rơi vào hoàn cảnh mồ côi, gặp khó khăn trong thiết bị học tập trực tuyến.

Tôi và nhiều cử tri ở địa phương cũng mong muốn Bộ GD&ĐT cần sớm khảo sát tổng thể chất lượng việc dạy và học trực tuyến tại các địa phương đang áp dụng hiện nay, để đánh giá kịp thời, có những giải pháp tích cực hơn để hạn chế khiếm khuyết, hạn chế tình trạng bỏ học. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các ngành chức năng để quan tâm nhiều hơn đến tâm sinh lý của học sinh khi vừa lo lắng với dịch bệnh, vừa chuyển đổi học trực tiếp sang gián tiếp, thậm chí học sinh nhỏ tuổi dễ bị trạng thái thiếu động lực và cô lập. Phía nhà trường và gia đình cũng cần phối hợp trong giám sát, hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị điện tử, internet và bảo đảm an toàn về điện. Khó khăn, thách thức đối với dạy và học trực tuyến đang rất nhiều, cử tri mong muốn, với vai trò nòng cốt, ngành giáo dục sẽ có nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ, nhất là khi học sinh đã bắt đầu bước vào nửa sau của học kỳ I năm học 2021-2022.

LÊ TRẦN (ghi)

 *Cử tri NGUYỄN THẾ MÙI (cán bộ hưu trí, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội): Cần chỉ rõ “khâu yếu” trong giải ngân vốn đầu tư công

Tôi đánh giá rất cao phần ý kiến thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về những yếu kém, tồn tại trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tại phiên chất vấn chiều 11-11. Đó là cùng một thể chế, cùng một khung quy định áp dụng thống nhất trên cả nước nhưng có địa phương giải ngân đạt 100% nguồn vốn được giao, trong khi có địa phương ì ạch mãi không xong.

Ngoài lý do khách quan mà địa phương nào cũng gặp phải, như diễn biến dịch Covid-19 phức tạp kéo dài, theo tôi, chắc chắn những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong khâu thực hiện, triển khai giải ngân vốn đầu tư công mới là nguyên nhân cơ bản và xảy ra ở nhiều nơi, nên kết quả giải ngân vốn đầu tư công chung trên cả nước mới như vậy. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải chỉ rõ những “khâu yếu” trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, để thúc đẩy việc này. Tôi rất đồng tình với nhiều bài báo đã đăng trên Báo Quân đội nhân dân về việc trong khi người dân, doanh nghiệp cả nước đều mong chờ có cơ sở hạ tầng thuận tiện, hiệu quả để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống; cả nước đang trông chờ vào nguồn lực từ các gói đầu tư công để góp phần tăng tổng cầu tiêu thụ hàng hóa thì tiền đầu tư công vẫn nằm im ỉm một chỗ là điều rất khó chấp nhận. Bởi vậy, đã đến lúc cần nghiêm túc đánh giá lại những cán bộ chỉ chăm chăm đổ tại cơ chế, nguyên nhân khách quan để bao biện cho sự kém cỏi của mình.

DƯƠNG MAI (ghi)