Ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Đa số ý kiến cử tri đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn của hai bộ trưởng; đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm, thành quả PCD cũng như các chính sách hỗ trợ kịp thời của Đảng, Nhà nước. Các cử tri mong ngành y tế, lao động-thương binh và xã hội tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, tồn tại để công tác PCD, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng tốt hơn. Báo Quân đội nhân dân trích giới thiệu một số ý kiến cử tri về những vấn đề nêu trên.

*Cử tri NGUYỄN MẠNH HÙNG (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, TP Hà Nội): Cần kiên quyết, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách

Thời gian qua, dư luận rất bất bình về tình trạng trục lợi chính sách hỗ trợ đối với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Qua phiên chất vấn chiều 10-11 đối với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, tôi đã được giải tỏa tâm lý về những thông tin trục lợi chính sách.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã rất thẳng thắn và trình bày rõ, tất cả chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đều quy định rất rõ, phân công trách nhiệm cho người đứng đầu của tổ chức địa phương, của các ngành được phân công. Ví dụ, liên quan đến chính sách vay cho người lao động là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; liên quan đến toàn bộ gói hỗ trợ tiền mặt chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; liên quan hỗ trợ các gói về vay vốn và giải quyết việc làm cũng như bảo hiểm thì giao Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trực tiếp Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 12 đoàn kiểm tra tại 33 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy ở một số địa phương đã xảy tình trạng trục lợi. Cụ thể, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp ở 4 địa phương, trong đó có những địa phương cách chức cả bí thư, chủ tịch mặt trận, bí thư đoàn thanh niên vì lý do để người nhà trong danh sách hộ nghèo và danh sách hưởng chính sách...

Điều làm tôi ấn tượng nhất là cách giải quyết nhanh trong việc phát nhầm tiền hỗ trợ cho khoảng 22.000 người tại tỉnh Bình Dương. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp. Tuy nhiên trong quá trình kê khai, số lượng tăng lên quá nhiều, tỉnh Bình Dương thấy bất thường đã tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời mời Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc, cùng rà soát trên cơ sở dữ liệu mới thấy tình trạng trùng lắp. Tỉnh Bình Dương đã dừng việc này, tiến hành rà soát và thu hồi đủ 1,6 tỷ đồng. 

Qua phiên chất vấn, tôi thấy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thể hiện việc nắm bắt vấn đề khá toàn diện, sâu sắc. Tôi mong rằng, với sự sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ LĐ-TB&XH, chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 sẽ được triển khai kịp thời, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng.

QUANG MINH (ghi)

Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 10-11. Ảnh: Trọng Hải 

*Cử tri ĐẶNG ĐÌNH HÙNG (phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh): Cần quản lý chặt việc xét nghiệm ở các cơ sở y tế

Theo dõi phiên chất vấn, tôi nhận thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tự tin trả lời các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đặt ra, thể hiện sự bám sát và nắm chắc tình hình của ngành; thẳng thắn nhìn nhận, tiếp thu và hứa sẽ khắc phục các hạn chế trong thời gian tới.

Tôi thấy rằng sự chủ động, nỗ lực của Bộ Y tế và ngành y tế nói chung trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, về vấn đề giá thiết bị y tế, sinh phẩm y tế mỗi nơi một mức giá khác nhau, chênh lệch lớn, gây nên những bức xúc trong dư luận. Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành các quy định về quản lý giá thiết bị y tế, sinh phẩm y tế, thể hiện sự quyết tâm của bộ trong quản lý mặt hàng nhạy cảm và có giá trị lớn này. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, bên cạnh việc ban hành quy định quản lý giá thiết bị y tế, sinh phẩm thì cần thiết phải đồng thời quản lý việc triển khai sử dụng, khai thác thiết bị y tế, sinh phẩm đúng quy định, mức giá áp dụng phải phù hợp để tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước và gây phiền hà, người dân phải chịu nhiều chi phí. Hiện vẫn còn tình trạng các cơ sở y tế chưa thực hiện đúng các quy định về xét nghiệm Covid-19, thậm chí áp dụng không đúng mức giá, mỗi nơi làm một kiểu. Không ít cơ sở y tế, nhất là các cơ sở ngoài công lập vẫn áp dụng xét nghiệm bắt buộc đối với người đến khám bệnh với mức giá cao, thu vượt so với giá niêm yết.

Tôi là cán bộ nghỉ hưu, đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19, là thương binh nên thường xuyên đau ốm phải vào bệnh viện khám và lấy thuốc điều trị. Mỗi lần như thế, đến bệnh viện khám bệnh diện bảo hiểm y tế, tôi phải tốn thêm chi phí xét nghiệm, có nơi với mức giá 350.000 đồng/lần test nhanh. Các bệnh viện này chỉ chấp nhận các kết quả xét nghiệm do họ thực hiện, không chấp nhận các xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của cơ sở y tế khác. Tôi còn biết có cơ sở y tế áp mức giá xét nghiệm nhanh trong sàng lọc Covid-19 cao hơn, gần 500.000 đồng/lần test nhanh; xét nghiệm RT-PCR từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/lần. Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ Y tế cần có biện pháp quản lý, giám sát việc áp dụng các quy định về xét nghiệm Covid-19 đối với người đến khám và điều trị tại cơ sở y tế, đối tượng nào thuộc diện bắt buộc hoặc không bắt buộc; trong trường hợp bắt buộc, người bệnh có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn hiệu lực của cơ sở y tế khác để vào khám, chữa bệnh. Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, sở y tế các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở y tế áp dụng sai quy định về xét nghiệm Covid-19...

BẢO MINH (ghi)

* Cử tri ĐINH THỊ THI (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội): Trẻ em và phụ nữ là những đối tượng cần được chăm sóc đầy đủ

Tôi rất quan tâm đến những cháu bé bị mồ côi trong đại dịch Covid-19. Tôi rất ấn tượng và cảm thấy yên tâm với cách giải quyết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trong việc chăm sóc các cháu mất bố, mất mẹ trong đại dịch. Theo dõi phiên chất vấn, tôi thấy Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nắm rõ được số lượng cháu mồ côi và nêu ra các chính sách cụ thể chăm sóc các cháu.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trên thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ em trở thành trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Việt Nam có 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động xây dựng, thực hiện các chính sách liên quan đến bảo trợ trẻ em. Mức chung, hỗ trợ trẻ em trong các làng trẻ SOS của Việt Nam hiện nay tương đối đồng bộ với thế giới, khoảng 1,8 triệu đồng/tháng. Bộ trưởng cho biết, với số cháu mồ côi do dịch Covid-19, ngoài các chính sách đã có, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ các cháu tương đối tốt. Riêng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ tất cả các cháu mồ côi 5 triệu đồng, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được tặng sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

Tôi rất xúc động với phương châm của Bộ LĐ-TB&XH là vận động để tất cả các cháu đều có mái ấm gia đình, đều có người thân đỡ đầu. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã khẳng định: “Hiện nay cả 81 cháu đều được sống với người thân, trong trường hợp không có người thân, chúng tôi và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tìm mẹ đỡ đầu cho các cháu. Trường hợp xấu nhất mới đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội".

Bên cạnh trẻ em, phụ nữ cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19, đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo, phụ nữ lao động di cư. Bên cạnh đó là phụ nữ mang thai, mới sinh con, nuôi con nhỏ gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm cũng như trong quá trình di cư nhằm đối phó với dịch bệnh. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã nêu trong Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chúng ta có những chính sách dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ. Bộ trưởng cũng thông tin trong phiên làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng Chính phủ giao đến đầu năm 2022 xây dựng chính sách riêng dành cho phụ nữ. Vì vậy, trong chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, trong 7 nhóm giải pháp đã có một nhóm giải pháp dành riêng hỗ trợ lao động nữ, hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp có thể lên tới gấp 3 lần so với bình thường. Qua phiên chất vấn, tôi mong các cháu mồ côi do đại dịch Covid-19 sẽ được chăm sóc đầy đủ, bù đắp những mất mát to lớn mà các cháu đang phải gánh chịu. Tôi cũng hy vọng những phụ nữ này sẽ được tạo điều kiện tối đa để có được công việc phù hợp.

AN AN (ghi)