Nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực GD&ĐT như: Bảo đảm chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19, chất lượng sách giáo khoa; vấn đề dạy thêm, học thêm... đã làm “nóng” nghị trường.
Ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19
Trước khi trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, gần hai năm qua, đại dịch tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường, hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực. Việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn ngành đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm để bảo đảm việc dạy và học không bị gián đoạn.
 |
Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Không "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp vào dạy trực tuyến
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm sức khỏe, tâm lý cho học sinh, giáo viên, chất lượng dạy và học do tác động của dịch bệnh. Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Cần Thơ) đề cập tới việc xây dựng chương trình học phù hợp với hình thức học trực tuyến, trực tiếp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện có 3 nhóm đối tượng học sinh, mỗi nhóm cần những giải pháp khác nhau để bảo đảm chất lượng giáo dục. Đó là nhóm học sinh vẫn đang học trực tiếp bình thường tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trung du miền Trung; nhóm học sinh đang chuẩn bị trở lại trường học; nhóm học sinh vẫn học trực tiếp thêm một thời gian nữa.
Về chương trình giáo dục phổ thông năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình. Về tinh giản chương trình, các năm 2019, 2020, Bộ GD&ĐT đã có hai lần tinh giản chương trình để phù hợp với chương trình học trong tình hình dịch bệnh. Năm học 2021-2022, bộ tiếp tục rà soát, lần này chương trình được xác định là chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải là chương trình rút gọn qua mỗi năm. Đối với các địa phương đang dạy trực tiếp thì dạy trước nội dung đúng theo chương trình cốt lõi; nếu như vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch thì quay lại củng cố và mở rộng. Đối với những nơi dạy trực tuyến thì bám theo chương trình cốt lõi đó, khi được trở lại nhà trường thì củng cố và mở rộng thêm kiến thức. “Như vậy, chương trình cốt lõi là giải pháp về chuyên môn để ứng phó với tình hình dạy học đa dạng ở các khu vực, các vùng miền. Theo chương trình này, việc dạy trực tuyến chỉ cần bám theo chương trình cốt lõi và các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa trên chương trình này, không phải là "bê" nguyên chương trình dạy trực tiếp vào dạy trực tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Có giải pháp tổng thể về chuyên môn, trang thiết bị, tư vấn tâm lý
Lo ngại về tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp lâu dài, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước), đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi, đâu là những định hướng để bảo đảm chất lượng giáo dục và các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, giáo viên về lâu dài? Còn đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) đặt vấn đề giải pháp củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh sau thời gian học trực tuyến.
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, giải pháp dạy, học trực tuyến là cách ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, hiện có 1,867 triệu em học sinh không có bất kỳ thiết bị gì để học tập. Thậm chí, có gia đình chỉ có một chiếc điện thoại phục vụ cho 2-3 con học trực tuyến. Trong điều kiện dịch bệnh có thể còn kéo dài, những vùng, miền phải tiếp tục dạy học trực tuyến cần củng cố, tăng cường hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị. Các bài giảng truyền hình cần tiếp tục thực hiện. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện đúng các thông tư hướng dẫn của bộ trong việc bảo đảm thời gian, nội dung, chương trình giảng dạy; tăng cường hỗ trợ tâm lý, tư vấn sức khỏe để tránh sự căng thẳng của học sinh.
Đánh giá về hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thẳng thắn thừa nhận, học trực tuyến có những thách thức, nên "chất lượng không thể nói sẽ như học trực tiếp". Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường và lưu ý các trường "không đưa các em ra đánh giá ngay". Việc đầu tiên là phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng, chống dịch. Đồng thời, giáo viên có trách nhiệm đánh giá, phân ra theo nhóm để có giải pháp giảng dạy phù hợp.
Gia đình phối hợp nhà trường dạy kỹ năng cho học sinh
Cho rằng, do đại dịch, việc giáo dục kỹ năng cho các em gặp khó khăn, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đề nghị cần có giải pháp tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh khi dịch bệnh còn có thể kéo dài.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong giáo dục, việc phát triển năng lực, kỹ năng là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến rất ảnh hưởng đến quá trình trang bị kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng hình thành thông qua trực quan, thực hành. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, gia đình phối hợp với nhà trường để việc tăng cường các kỹ năng cho học sinh. Thời gian tới, khi học sinh trở lại trường, một trong những điều cần củng cố, ngoài kiến thức sẽ là các kỹ năng.
Đưa dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện?
Vấn đề dạy thêm, học thêm cũng là vấn đề được các đại biểu chất vấn, tranh luận sôi nổi. Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) nêu thực tế, dù Bộ GD&ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm nhưng thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến cần nghiêm cấm. Bộ cũng đã có văn bản quy định việc dạy và học trực tuyến, trong đó quy định rõ số giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Nếu nhà trường dạy quá giờ, các sở giáo dục, địa phương cần thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng sẽ thanh tra làm rõ vấn đề này.
Sau câu trả lời của bộ trưởng, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn. Tham gia tranh luận về vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề, đồng tình là phải cấm dạy thêm trực tuyến nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Đại biểu Nguyễn Công Long phân tích, từ trước đến nay, chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm ở tư duy cũ, như một vấn nạn của xã hội và xử lý theo cách cấm. Đại biểu cho rằng, nên đánh giá tác dụng của dạy thêm trong đời sống như thế nào? Nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, vấn đề dạy thêm xuất phát từ thực trạng là lương của giáo viên quá thấp. “Qua hai đợt dịch bệnh, tôi thấy giáo viên cũng là đối tượng cần hỗ trợ”, đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề.
Trả lời ý kiến tranh luận này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay: Từng có quy định về dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng sau đó bỏ quy định này. Do đó, tới đây sẽ đề nghị bổ sung lại quy định này.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời này, tiếp tục đưa ý kiến tranh luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho biết, từ các khóa trước, Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về chủ đề dạy thêm và "câu chuyện này chưa có hồi kết". Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, các vấn đề cần quan tâm để giải quyết tình trạng dạy thêm là giảm tải chương trình, sách giáo khoa; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử; hệ thống trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp, tạo môi trường học tập hài hòa. Cũng đưa ý kiến tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề nghị Bộ trưởng cần đưa ra một số tiêu chuẩn đạo đức của giáo viên trong việc dạy thêm.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giải quyết dạy thêm, học thêm cần những giải pháp ở phương diện hành chính nhưng cũng cần những giải pháp chuyên môn cũng như dư luận xã hội. Nhưng cần nhấn mạnh, nếu giáo viên bớt nội dung cần dạy trên lớp, dạy cho nhóm riêng biệt để dạy thêm thì đây là vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo.
Bảo đảm chất lượng sách giáo khoa ngày càng cao hơn
Thời gian qua, vấn đề chất lượng sách giáo khoa (SGK) cũng được cử tri đặc biệt quan tâm, tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH cũng đề cập tới vấn đề này. Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) đã nêu tình trạng "sạn" trong SGK và đề nghị cần có các giải pháp để nâng cao chất lượng SGK. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá bước đầu ưu điểm, hạn chế của chương trình học theo SGK mới với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để có được một bộ SGK chất lượng, cần rất nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố về con người biên soạn là rất quan trọng, tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD&ĐT đang làm ráo riết nhằm sớm sửa đổi Thông tư số 33/2017/TT-BGD&ĐT về tiêu chuẩn quy trình biên soạn chỉnh sửa SGK. Đây là thông tư quan trọng, quy định về biên soạn, thẩm định, xuất bản SGK. Văn bản này đang gửi lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn, trong đó chủ trương là không đợi các tác giả, các nhóm, các nhà xuất bản mang bản mẫu đến để Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, mà bộ chủ trương giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu. Bộ GD&ĐT cũng nâng cao các yêu cầu, tiêu chuẩn của thầy, cô, các nhà khoa học tham gia soạn sách. Tiêu chuẩn của thành viên trong các hội đồng cũng sẽ được điều chỉnh và những người tham gia biên soạn sẽ không tham gia hội đồng thẩm định.
Về ưu điểm của SGK mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, bộ SGK là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT tổ chức đánh giá một năm thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Trong đó, ý kiến của các thầy cô trực tiếp dạy lớp 1 phản ánh SGK mới giúp họ có hứng thú hơn trong việc dạy học; với tính mở, SGK là công cụ để giáo viên được chủ động hơn. Như vậy, có thể thấy chủ trương của Chương trình giáo khoa phổ thông 2018 theo hướng từ trang bị kiến thức chuyển sang phát triển năng lực của học sinh là một hướng đi đúng. Người dạy hào hứng hơn và qua đánh giá, học sinh lớp 1 chủ động hơn, khả năng đọc, viết năng động hơn. Chưa thể đánh giá cả chương trình phổ thông chỉ qua học sinh lớp 1 nhưng đây cũng là dấu hiệu để chúng ta quyết tâm tiếp tục con đường đổi mới đã chọn. “Không nên chỉ vì một vài “viên sỏi, viên sạn” mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, của Quốc hội và của ngành giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch Covid-19
Điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có chủ trương giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh do đại dịch bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố. Đây cũng là vấn đề mà một số đại biểu Quốc hội có quan tâm đề xuất trong phiên họp này. Đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, các địa phương tổ chức thật tốt lễ tưởng niệm.
|
VŨ DUNG