Đã phân cấp về các địa phương

Trước câu hỏi của đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) thắc mắc về việc giải ngân đầu tư công còn chậm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vấn đề được nhiều đại biểu cũng như cử tri cả nước quan tâm.

Vấn đề này không phải đến bây giờ mới được nêu ra mà tại nhiều kỳ họp Quốc hội, thậm chí là cả từ nhiệm kỳ trước cũng được bàn đến, tuy nhiên, vẫn chưa tìm được cách giải quyết triệt để, tỷ lệ giải ngân vẫn rất thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng này.

Theo đó, công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, chủ yếu mang tính hình thức nhiều, qua loa. Sau khi được chấp thuận chủ trương, mới bắt đầu làm thực tế. Lúc này lại mất thời gian làm lại, điều chỉnh đi, điều chỉnh lại nhiều lần.

Thứ hai, là vấn đề giải phóng mặt bằng. Một câu chuyện muôn thuở nếu các quy định về Luật Đất đai không giải quyết triệt để. Nhiều vướng mắc về nguồn gốc đất đai, giá đền bù, tranh chấp, khiếu kiện, ý thức người dân...

Thứ ba, là công tác đấu thầu, không được bố trí vốn đối ứng chung...

Riêng năm 2021, ngoài những nguyên nhân như đã nêu, còn có những nguyên nhân khách quan như bị ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến phải giãn cách xã hội; giá nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng cao; vấn đề nhân công, thiếu lao động... Năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng còn triển khai nhiều công việc như Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp,...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời tại phiên chất vấn Quốc hội. Ảnh: Baochinhphu.vn. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, hiện nay, bản thân Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ còn các chức năng chính trong giải ngân vốn đầu tư công đó là: Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược của kế hoạch 5 năm, 10 năm; xây dựng nguyên tắc chi tiết tiêu chí để báo cáo Quốc hội; xây dựng nguyên tắc tiêu chí để điều hành trong kế hoạch hằng năm.

Còn lại, khâu chính về tổ chức thực hiện hiện nay đều đã giao về các bộ, ngành, địa phương, toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nguồn vốn, khả năng cân đối vốn; phê duyệt giao chi vốn chi tiết điều chỉnh kế hoạch... đều đã được phân cấp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nêu rõ việc đã phân cấp như này để thấy rõ cần tìm nguyên nhân vì sao giải ngân đầu tư công lại thấp và trách nhiệm nằm ở đâu, thuộc về ai? Bộ trưởng cũng cho biết, có sẵn bản báo cáo giải ngân đầu tư công của từng địa phương, bộ, ngành, đại biểu có thể chất vấn chính bộ, ngành, địa phương nào đang có tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp để làm rõ được nguyên nhân.

Bộ nhận một phần trách nhiệm khi còn có tình trạng nể nang

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tỷ lệ giải ngân đầu tư công quá thấp, hết 10 tháng chưa được 50%. “Doanh nghiệp và người dân mong muốn có gói hỗ trợ kích thích mới nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội đưa câu hỏi.

Nêu 16.000 tỷ của ba chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được; 56.000 tỷ của các địa phương cũng chưa phân bổ được, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ trách nhiệm nằm ở đâu; tình hình kiểm tra, giám sát; từng nguyên nhân vướng mắc thì giải quyết thế nào?

Trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: Vấn đề hiện nay không phải ở luật pháp. Tất cả các vấn đề về đầu tư công đến nay là rất rõ ràng, đầy đủ, trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý chung bằng hệ thống công nghệ thông tin. Tất cả các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch xong sẽ đưa vào hệ thống. “Chúng tôi nếu thấy đúng sẽ báo cáo Thủ tướng. Nếu không phù hợp sẽ yêu cầu các tỉnh làm lại. Như vậy đã rất thông thoáng, thuận lợi cho địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi vậy vấn đề nằm ở đâu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Chắc chắn vấn đề nằm ở tổ chức thực hiện. Tại sao cùng một thể chế, có tỉnh đến nay giải ngân vượt kế hoạch, còn có tỉnh đến nay mới được hơn 10%. Cuối năm nay, không chắc chắn sẽ giải ngân được cao như năm 2020, chỉ đạt 80-85%. Điều này đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề.

“Bây giờ đổ cho pháp luật là chưa đúng. Tôi khẳng định hiện nay pháp luật không có vấn đề. Sắp tới, còn vấn đề gì thì chúng tôi sẽ rà soát để sửa trong tháng 12 tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Về câu chuyện như đại biểu nói là lập kế hoạch không sát. Các bộ, ngành, địa phương, thờ ơ chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói nhận một phần trách nhiệm khi còn nể nang, không hết trách nhiệm nên đã tổng hợp vào và đưa lên.

“Chúng tôi nhận một phần trách nhiệm rà soát vốn các bộ ngành, địa phương trình lên. Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tranh luận tiếp về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành Trung ương thẩm định. Việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên "bất cập cần điều chỉnh". Do đó, nếu Bộ trưởng nói chậm giải ngân do địa phương thì “tội nghiệp địa phương quá”.

Giải đáp tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định quyền thẩm định các dự án nhóm A là của địa phương, còn với các dự án trọng điểm quốc gia thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước khi trình Thủ tướng.

“Cái nào chậm trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay Trung ương hãy cho chúng tôi biết, tôi đảm bảo Bộ luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào hết. Còn quy trình, thủ tục nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên có thể khi tổng hợp lại bị chậm, chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

HỒNG UYÊN