Điều đáng nói là nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí dưới 1%; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của một số địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành, làm chậm tiến độ một số dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Có nhiều nguyên nhân để lý giải kết quả trên. Đó là, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến tiến độ thi công, giải ngân bị ảnh hưởng; giá vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, cũng gây ra không ít khó khăn cho nhà thầu. Bên cạnh đó, những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng cũng có tác động nhất định đến kế hoạch giải ngân…
 |
Chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là vấn đề mới nảy sinh. Ảnh minh họa: congthuong.vn |
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là vấn đề mới nảy sinh. Đây vốn là “căn bệnh” khó chữa với nhiều ngành, địa phương. Bởi lẽ, thực tế, trong bối cảnh khó khăn chung, vẫn có những địa phương đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao, lên tới 73,74%.
Rõ ràng, giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ công tác này. Ngay từ bây giờ, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 23-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; phát huy tính chủ động và sáng tạo của mỗi cơ quan, đơn vị. Tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chia sẻ kinh nghiệm giải ngân đầu tư công tại tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, từ cuối năm 2020, sau khi Chính phủ họp trực tuyến nhiều lần về giải ngân vốn đầu tư công, giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã triển khai ngay nhiều biện pháp. Tỉnh Khánh Hòa đã lập một nhóm giúp việc, 15 ngày họp một lần, chỉ đạo quyết liệt các địa bàn, cơ quan triển khai. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo nên dù vẫn giữ bộ máy làm việc cũ, thì đến ngày 31-12-2020, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Khánh Hòa đã đạt 96% - mức cao nhất trong lịch sử từ trước nay. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, điều này là “do cách điều hành thôi” và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa kinh nghiệm của năm 2020, vì giải ngân vốn đầu tư công không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn thu hút đầu tư xã hội "chạy" theo.
Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương cùng sự quyết liệt và khẩn trương hơn nữa trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nền kinh tế sẽ có cơ hội phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
NGỌC MỸ (Hoàn Kiếm, Hà Nội)