Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ngân hàng Phát triển Việt Nam đạt 100%, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đạt 92,04%, Thái Bình đạt 85,66%, Thanh Hóa đạt 82,85%, Thừa Thiên Huế đạt 78,84, Hà Tĩnh đạt 77,98%...

Nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, 32/50 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Trong số đó có 20 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

Thi công dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 57. Ảnh: TTXVN.

Tính chung, giải ngân vốn đầu tư phát triển trong 10 tháng năm 2021 đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 67,25%). Trong đó, vốn trong nước đạt 60,89% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 15,29% kế hoạch.

Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu. Dịch Covid-19 cũng khiến không huy động được nhân lực cho các công trình cũng như triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, việc triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương chưa được thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án; trong đó có các dự án sử dụng vốn đầu tư công. 

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 7776/CĐ-VPCP về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ.

HẢI YẾN