Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhấn mạnh: Chúng ta không thể để xảy ra một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như thời gian qua...

Hầu hết các nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn

 Mở đầu cho phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi về giải pháp thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, Covid-19 là một đại dịch chưa có tiền lệ. Rất nhiều quốc gia đã phải điều chỉnh chính sách theo từng giai đoạn diễn biến của tình hình dịch. Hầu hết các nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng, chung sống an toàn với Covid-19.

Bộ Y tế đã tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT, trong đó nêu rõ các giải pháp cụ thể, như: Các địa phương phải đánh giá cho được cấp độ dịch ở địa phương để áp dụng biện pháp triển khai; chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất; chủ động triển khai tất cả các biện pháp PCD.

Tham gia trả lời chất vấn, chiều 10-11, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến nay, công tác PCD Covid-19 của nước ta đã có khởi sắc. Cách đây khoảng một tháng, theo đánh giá của Nikkei Asia thì Việt Nam đứng chót bảng về chỉ số phục hồi Covid-19, nhưng giờ đã tăng lên xếp ở giữa bảng. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Mấy ngày nay, số ca nhiễm vẫn tăng.

Thừa nhận rằng có những vấn đề mới xuất hiện trong lúc chúng ta chống dịch khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng có những tồn tại không chỉ trong ngành y tế, mà trong cả quản lý, điều hành xã hội nói chung. “Chúng ta phải khẩn trương khắc phục bởi không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi xảy ra nữa”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Kết luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cử tri và nhân dân mong muốn, trong thời gian tới, ngành y tế phải đúc rút được kinh nghiệm PCD để sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tổng thể về kiểm soát dịch Covid-19 trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả và linh hoạt; tuyệt đối không để xảy ra bị động, lúng túng, bất ngờ trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo và xây dựng kịch bản, phương án ứng phó phù hợp nhất; nhất định không để dịch bùng phát một lần nữa nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, có điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.

Chấn chỉnh tình trạng loạn giá xét nghiệm

 Thời gian qua, tình trạng loạn giá xét nghiệm Covid-19 khiến cử tri và nhân dân rất bức xúc. Tâm tư của cử tri, nhân dân đã được các đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) chuyển tới Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lý giải, giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước đây không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật Giá. Giá cả các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước sản xuất. Có thời điểm, nguồn cung ít, nhu cầu nhiều nên có những lúc bị đẩy giá lên cao.

Để kiểm soát giá xét nghiệm Covid-19, Bộ Y tế từng bước minh bạch việc cung ứng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế từ tháng 7-2020. Hiện nay, trên Cổng thông tin của Bộ Y tế đã niêm yết giá với 69.235 loại sản phẩm và 93.253 kết quả đấu thầu. Bộ Y tế liên tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng cung ứng sản phẩm cho thị trường Việt Nam và hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh về giá.

Đến nay đã cấp phép cho 131 sinh phẩm chẩn đoán, trong đó có 60 loại test nhanh, 43 loại test PCR, 28 loại test kháng thể. Nước ta cũng tăng cường vận động tài trợ, hỗ trợ từ các nước, đến nay đã vận động tài trợ được hơn 50 triệu test, riêng TP Hồ Chí Minh đã được doanh nghiệp và cộng đồng hỗ trợ 14,4 triệu test.

Ngành y tế đã thúc đẩy sản xuất trong nước, hiện có 8 đơn vị sản xuất trong nước cung cấp test nhanh, PCR, kháng thể. Năng lực sản xuất cũng như khả năng cung ứng của các doanh nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngày 8-11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Cùng ngày, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BYT về giá xét nghiệm, trong đó có nêu giá tối đa với từng loại xét nghiệm.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thực tế giá nhập kit test của doanh nghiệp có khác nhau, nhưng việc Bộ Y tế không quản lý về giá là một thiếu sót. Người dân phàn nàn vì trong một quận mà giá xét nghiệm đã có sự khác nhau. Ngay tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giá xét nghiệm ngoài vỉa hè đã lên tới 440.000 đồng. Từ đó, đại biểu đề nghị, sau khi ban hành quy định về giá xét nghiệm, Bộ Y tế cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm những nơi không thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm.

Về vấn đề mà đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ không áp dụng hình thức quản lý giá với các đơn vị y tế tư nhân. Các đơn vị y tế tư nhân phải tự chịu trách nhiệm về giá xét nghiệm và phải niêm yết công khai. Tuy nhiên, Bộ trưởng hứa sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để cùng các cơ quan chức năng có hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế tư nhân.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine

 Thời gian gần đây, một số địa phương công bố sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 3 cho người dân trên địa bàn. Trong khi, người dân ở một số địa phương khác chưa được tiếp cận với vaccine. Điều này khiến cử tri và nhân dân đặt nghi vấn về tính công bằng trong phân phối vaccine ngừa Covid-19. Vấn đề này được nhiều đại biểu đưa ra chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Lý giải về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Việt Nam đã có kế hoạch mua vaccine từ rất sớm. Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine có hạn, các nước phát triển lại đặt hàng với số lượng rất lớn, dẫn tới sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tăng cường công tác ngoại giao vaccine và với sự nỗ lực của các bộ, ngành hữu quan, nước ta đã, đang và sẽ được hỗ trợ, cung ứng số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19. Nhờ vậy, thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đến nay, nước ta đã tiêm được cho 94 triệu lượt người.

Việc phân bổ vaccine được tiến hành theo các tiêu chí về nguy cơ, tình hình dịch. Các tỉnh, thành phố có tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ cao, đông công nhân trong khu công nghiệp, là đầu tàu kinh tế, đầu mối giao thông, mật độ dân cư đông được ưu tiên phân bổ vaccine.

Nghị quyết 128 đã nêu rõ, đến tháng 10 phải tiêm phủ hết cho người trên 65 tuổi và đến tháng 11 phải tiêm phủ hết cho người trên 50 tuổi. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, số vaccine sẽ về Việt Nam trong thời gian tới lên tới khoảng 200 triệu liều, đủ bảo đảm tiêm hai mũi cho người từ 12 tuổi trở lên. Cuối năm nay, Việt Nam sẽ có kế hoạch tiêm mũi thứ 3. Do vậy, các địa phương đưa ra tuyên bố sẽ tiêm mũi thứ 3 cho người dân phải tuân theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, để tiêm đủ hai mũi vaccine cho người lớn thì miền Bắc còn thiếu 23 triệu liều và tuần thứ 4 tháng 11 sẽ được phân bổ đủ, “những nơi này chậm một chút vì vẫn đang giữ vững trận địa”; các tỉnh miền Trung cần 5 triệu liều và sẽ được phân bổ đủ vào tuần thứ 3 tháng 11.

Các tỉnh Tây Nguyên còn thiếu 2,5 triệu liều và trong tuần này sẽ có đủ. Đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam còn thiếu 4 triệu liều và cũng sẽ được phân bổ đủ trong tuần này. “Bây giờ chúng ta chỉ tiêm cho an toàn. Trước đây phải đắn đo đối tượng nào, bây giờ là tiêm gọn từng nơi, từng cụm cuốn chiếu”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Xử lý cán bộ sai phạm: Đau xót cũng phải làm

 Liên quan tới việc hàng loạt cán bộ trong ngành y tế, đặc biệt trong các bệnh viện, là những chuyên gia giỏi vướng vòng lao lý vì sai phạm trong quản lý, nhất là quản lý về kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề: Nên chăng, cần rạch ròi giữa người quản lý và người làm công tác chuyên môn, người quản lý cần ưu tiên trình độ quản lý hơn là trình độ chuyên môn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải bảo đảm công khai, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm. Đồng thời đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, khi có vi phạm thì xử lý đúng quy định.

“Dù rất đau đớn nhưng chúng ta vẫn phải làm theo quy định của pháp luật để làm sao trong sạch và lành mạnh hóa được tất cả các vấn đề về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế và để bảo đảm về PCD, bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cùng trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu kỹ hơn, làm sao có được cán bộ vừa giỏi về chuyên môn, vừa có năng lực quản trị là tốt nhất. Trường hợp cụ thể thì người quản lý cần có năng lực quản trị để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ với đơn vị sự nghiệp y tế.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời làm rõ thêm về vấn đề này đã nhấn mạnh, các vi phạm trong ngành y thời gian qua không phải là do lỗi cơ chế hoặc hệ thống, mà là do lợi dụng khó khăn, lách luật để vi phạm. Cơ quan điều tra đã cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng cá nhân, chứng minh có yếu tố tư lợi, tham ô, tham nhũng, trục lợi để xử lý các đối tượng này.

“Báo cáo Quốc hội, đồng bào và cử tri, chúng ta PCD cũng phải hết sức tiết kiệm vì đất nước đang rất khó khăn. Do đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 sẽ thanh tra, kiểm toán rất sâu về chuyên đề huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực cho công tác PCD để ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm”. (Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ) 

 

“Bình thường mới không thể là bình thường, phải đeo khẩu trang. Các đại biểu Quốc hội đều được kiểm tra sức khỏe nhưng vẫn làm gương đeo khẩu trang. Toàn dân, các cơ quan, đơn vị vẫn phải thực hiện 5K. Nếu không làm có thể dẫn đến quá tải ngành y tế”. (Phó thủ tướng Vũ Đức Đam) 

 

CHIẾN THẮNG