QĐND - Ngày Gia đình Việt Nam năm 2015 lại tiếp tục lấy chủ đề là bữa cơm gia đình, để nhấn mạnh tầm quan trọng của bữa cơm gia đình đối với mỗi người. Không chỉ tôn vinh những giá trị truyền thống, mà bữa cơm gia đình còn là nơi gắn kết, sẻ chia của các thành viên trong gia đình. Những bữa cơm gia đình được sửa soạn thích hợp với khẩu vị và thói quen của từng người, lại được chăm chút bằng tình thương của người chị, người mẹ... Bữa cơm đó làm lòng người bình yên trở lại sau những loay hoay, bận rộn của cả ngày lao động, học tập. Bữa cơm gia đình không chỉ bổ sung chất dinh dưỡng cho các thành viên mà trong bữa cơm, qua những câu chuyện, cha mẹ hiểu con mình hơn và ngược lại, để rồi có sự chia sẻ hay động viên kịp thời...

Bữa cơm gia đình gắn kết mọi người.

 

Hiện nay, cuộc sống ngày càng bận rộn hơn, nhiều người phải làm việc thêm giờ, thậm chí phải công tác xa nhà nhiều ngày. Do đó, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà trở nên hiếm hoi. Khi thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ ngày càng khó khăn hơn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái sẽ ngày càng lớn. Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện mà tôi đọc cách đây đã lâu về một cậu bé đã dành dụm tiền để “mua” thời gian của bố, chỉ mong bố ở nhà chơi và ăn tối cùng mình.

Ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chia sẻ: Trong xu hướng biến đổi của gia đình nói chung và sự đa dạng của loại hình gia đình nói riêng, giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, những bữa ăn chung có thể được tổ chức hằng ngày, hoặc chỉ mỗi sáng, mỗi ngày cuối tuần. Đây là cơ hội để các thành viên có dịp gặp nhau, cùng thể hiện sự quan tâm chia sẻ, qua đó có thể tìm hiểu, cảm thông, giúp đỡ hoặc hóa giải những vướng mắc, những áp lực mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống”.

Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người già đã "sốc" vì không chịu được cảnh mình phải ngồi ăn cơm một mình trong khi cả nhà đầy đủ cháu con, mà khi ấy công việc và học hành đã cuốn họ đi, đến nỗi họ không còn quan niệm là phải về nhà ăn cơm nữa. Có nhiều bậc phụ huynh không chịu cảnh ăn cơm một mình mà bắt cả nhà phải chờ đầy đủ thành viên mới ăn. Điều đó nhiều khi gây khó xử cho thành viên vắng mặt và những căng thẳng không cần thiết trong gia đình.

Đã có ai đó từng nói rằng “Cùng ăn tối với nhau là điều tuyệt vời nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm trong gia đình họ, vì đó là cách tốt nhất để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau hơn”. Với cá nhân tôi, bữa cơm gia đình là một giá trị văn hóa rất cần được gìn giữ, duy trì càng thường xuyên càng tốt.

Bài, ảnh: NGUYỄN LIÊN