QĐND - Hiện tượng xe quá tải vẫn chưa được đẩy lùi là do lỗ hổng trong công tác quản lý sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe. Thế nhưng, một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe lại cho rằng, việc siết chặt quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để kịp thời định hướng dư luận, ngày 26-5-2015, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có Công văn số 6559/BGTVT-VT gửi Báo Quân đội nhân dân, giải thích rõ hơn về việc quản lý sản xuất, lắp ráp xe ô tô, ngăn chặn xe quá tải. Nội dung công văn đã khẳng định, sau khi nhận được ý kiến của quý báo về việc có nhiều đơn, thư của các cơ sở đóng thùng xe tải và các đơn vị có chức năng vận tải hàng hóa phản ánh về Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ GTVT xin trao đổi, làm rõ hơn như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hoặc kinh doanh vận tải có nhu cầu đóng thùng hàng trên xe ô tô tải dạng sát-xi (chassis) hoặc thay đổi kiểu loại, công năng của thùng hàng đã có trên xe ô tô tải mới, chưa qua sử dụng hoàn toàn được thực hiện bình thường theo quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15-4-2011 và Thông tư số 54/2014/TT-BGTVT ngày 20-10-2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới. Quy định này cũng cho phép các cơ sở sản xuất, lắp ráp đóng các loại thùng xe tải theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp vận tải và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
 |
Tuyến vận tải Pháp Vân - Cầu Giẽ từng là một trong những điểm nóng về xe quá tải. Ảnh: NGUYÊN MINH.
|
Thứ hai, việc thực hiện các quy định về sản xuất, lắp ráp xe tải đã được đa số các cơ sở sản xuất lắp ráp, cơ sở đóng thùng xe tải ủng hộ và thực hiện nghiêm túc. Chỉ tính từ ngày 1-1-2014 đến nay, cả nước đã có 81.734 xe ô tô tải (năm 2014 là 57.428; đầu năm 2015 là 24.306) có thùng hàng được các cơ sở sản xuất, lắp ráp trong nước sản xuất, đóng mới trên cơ sở xe ô tô sát-xi hoặc xe ô tô tải thùng loại khác để cung cấp cho các đơn vị vận tải, đáp ứng nhu cầu thị trường...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều xe tải đã được chủ xe tăng cường khung dầm, thùng hàng để chở hàng vượt quá tải trọng cho phép từ 100% đến 200%, thậm chí có xe vượt đến 300%. Từ ngày 1-4-2014 đến nay, có 41.957 lượt phương tiện bị cảnh cáo vi phạm thông số kỹ thuật trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong đó, có gần 6.000 lượt liên quan đến thùng hàng. Các xe này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông và làm hư hỏng các công trình cầu đường.
Để tăng cường kiểm soát tải trọng và công tác quản lý trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe cơ giới, đặc biệt là việc cải tạo phương tiện nhằm hạn chế những tồn tại nêu trên, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31-12-2014 về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó quy định: Việc cải tạo xe cơ giới chỉ áp dụng đối với các xe cơ giới đã có biển số hoặc xe nhập khẩu đã qua sử dụng, riêng đối với xe tải thì: “Không cải tạo thùng xe của xe tải nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới, chưa qua sử dụng trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đến khi thẩm định thiết kế”, nêu tại Khoản 3, Điều 4. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT vẫn cho phép thực hiện ngay việc cải tạo lắp thêm mui phủ lên thùng hàng.
Thứ ba, hiện nay, các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong việc lựa chọn phương tiện đã cung cấp ra thị trường nhiều chủng loại đa dạng phù hợp mục đích sử dụng. Do đó, việc cải tạo chỉ cho phép thực hiện sau khoảng thời gian đã khai thác, sử dụng phương tiện và thấy cần cải tạo, thay đổi thùng hàng để đáp ứng nhu cầu chuyên chở.
Nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe và thùng xe, Bộ GTVT đã và đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe cơ giới cũng như thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, mở các kênh thông tin (bao gồm cả đường dây nóng), nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu vận tải.
Trong thời gian tới, khi công tác kiểm soát tải trọng bảo đảm ổn định, có tính bền vững, việc chở hàng quá tải được kiểm soát, Bộ GTVT sẽ sớm nghiên cứu sửa đổi các quy định để tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Bộ GTVT trân trọng cảm ơn Báo Quân đội nhân dân và đề nghị quý báo phối hợp thông tin tới bạn đọc.
Báo Quân đội nhân dân trân trọng cảm ơn sự vào cuộc và hồi âm kịp thời từ phía Bộ GTVT. Đây là cơ sở quan trọng để tòa soạn thông tin, giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, cũng như góp phần định hướng dư luận xã hội về vấn đề này.
QĐND