QĐND Online - Thực hiện ước mơ vào đại học của cô con gái duy nhất bị xương thủy tinh, cả cha và mẹ em Nguyễn Minh Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định), đã bỏ gánh hàng rau, nguồn thu duy nhất của cả gia đình, để theo con lên Hà Nội dự thi.

Nguyễn Minh Vân cùng bố tại phòng trọ

Ngay khi biết thông tin con sẽ dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa Hà Nội kỳ thi THPT quốc gia năm nay, chị Nguyễn Thị Minh Hà - mẹ của Vân đã tạm gác công việc mưu sinh, lên Hà Nội từ cách đó một tuần để tìm nhà trọ phù hợp với sức khỏe của con.

Chị Hà kể, gia đình phát hiện Vân bị xương thủy tinh từ 20 ngày tuổi sau một lần bị gẫy tay, từ ngày đó, Vân gần như phải sống chung với việc có thể bị rạn xương, gẫy tay chân bất cứ lúc nào, dù chỉ vì vô ý giơ chân lên hoặc xoay người…

Do sức khỏe yếu nên mãi năm 7 tuổi Vân mới vào lớp 1, năm đầu tiên đi học thời gian nằm viện nhiều hơn ở nhà. Có năm Vân gãy tay tới 3 lần nên việc theo học vô cùng khó khăn. Sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Vân chưa bao giờ đi học thêm, vậy mà 12 năm liền em đều là học sinh giỏi.

Vân chia sẻ bí quyết học của em không có gì xa lạ, chỉ là luôn chú ý nghe giảng và tự học ở nhà. Ngoài ra, Vân hay mượn tài liệu của các anh chị lớp trên để xem trước, tự ôn ở nhà; câu nào khó quá Vân sẽ nhờ sự hỗ trợ từ thầy cô giáo và bạn bè.

Với thu nhập ít ỏi từ gánh rau quả ngoài chợ của mẹ, trong khi bố Vân hầu như không có việc làm nên dù thương con nhưng bố mẹ Vân cũng đành bó tay, không dám mang Vân đi chữa bởi tiền thuốc đặc trị rất đắt. Không buông xuôi với hoàn cảnh, Vân luôn nuôi ước mơ bước chân vào giảng đường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin.

Nói về kỳ thi “kép”, Minh Vân chia sẻ: “Cách thi mới này có nhiều ưu điểm. Những năm trước, nếu muốn tham gia thi cả khối A và khối D, thí sinh phải dự thi 2 đợt, thi hai lần môn Toán, môn Văn nhưng năm nay, chỉ một lần là xong hết”.

Nói về cô con gái duy nhất, anh Nguyễn Trung Sơn tâm sự: Hoàn cảnh riêng như vậy nên cả hai vợ chồng cố gắng dồn sức nuôi con, mong cháu sau này có nghề nghiệp, thành người có ích cho xã hội. Hai vợ chồng bỏ việc ở nhà đưa cháu đi thi, bởi chỉ bố mẹ biết bệnh của cháu, biết chăm sóc cháu như thế nào.

"Dù mong ước lớn nhất là cháu sẽ đỗ đại học nhưng vợ chồng tôi cũng lo lắng lắm. Nếu cháu đỗ, chắc tôi sẽ lên Hà Nội kiếm việc làm và chăm sóc cháu", anh Sơn chia sẻ.

Cô bé xương thủy tinh giàu nghị lực dù đã nộp hồ sơ xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng để chắc chắn và không ỷ lại sự ưu tiên của quy chế, Vân vẫn cố gắng hết sức trong những ngày Hà Nội nóng như đổ lửa, thực hiện hóa ước mơ của mình.

Bài, ảnh: THU HÀ