Tích lũy thành tựu từ đồng hành phát triển của vùng

Qua tổng kết 25 năm hình thành và phát triển, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Dương tính đến cuối năm 2021 đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần so với năm 1997, đứng thứ 3 cả nước. Trong đó, nông nghiệp tăng 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. Tỉnh đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đứng thứ 3 về tổng thu nội địa và về tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương (64%)... Thành quả trên đã đưa Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao, với GRDP bình quân đầu người 7.000 USD/người/năm.

Quá trình phát triển đó đã giúp Bình Dương bước đầu tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ, thể hiện qua việc sớm hoàn thiện các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3 và một số đoạn thuộc Vành đai 4 đi qua tỉnh, kết nối trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế.

Các khu công nghiệp tại Bình Dương hướng đến phát triển xanh, thông minh.

Tuy nhiên, việc trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của cả nước và là địa phương đầu tiên đạt mức thu nhập trung bình cao đã đặt Bình Dương đứng trước thách thức phải sớm đương đầu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Xác định đây không chỉ là bài toán về năng suất lao động, phát triển kinh tế, mà còn là bài toán phát triển bền vững, bài toán bình đẳng xã hội, phát triển bao trùm và đồng đều, bài toán đô thị hóa, kết nối, hội nhập phát triển, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chiến lược 6 trụ cột để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Tỉnh chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang các mô hình phát triển công nghiệp tiếp theo, cụ thể như sau: Giai đoạn một là công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh- bền vững: Xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData,...để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhằm gia tăng năng suất lao động và thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, giai đoạn hai là công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ: Xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số, nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương không ngừng tăng trưởng qua các năm.

Bình Dương tiếp tục đóng góp tích cực cho vùng

Để đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ và nâng cao tính năng động của các địa phương trong vùng như tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bình Dương kiến nghị cần sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, có các chính sách để các địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, thu hút và cung ứng lao động. Hiện nay, để chia sẻ gánh nặng với giao thông đường bộ của tỉnh và của vùng, đặc biệt là giải quyết vấn đề về vận tải hàng hóa xuyên suốt từ các tỉnh phía Bắc của vùng với hệ thống cảng biển phía Nam ở TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tỉnh kiến nghị bổ sung quy hoạch hệ thống các cảng biển đường sông như: Cảng An Tây và cảng Thạnh Phước giai đoạn II vào quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ trong điều tiết ngân sách cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các tỉnh trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, để tăng hiệu quả kinh tế và tính liên kết của các địa phương trong vùng, tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung phạm vi nghiên cứu tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đến ga An Bình được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Bổ sung định hướng quy hoạch khu vực ga An Bình (TP Dĩ An) trở thành ga trung tâm mang tính lưỡng dụng của cả khu vực phía Nam dựa trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành tuyến ga, quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu tham quan triển lãm sản phẩm công nghệ tại Techfest Vietnam 2022 diễn ra ở Bình Dương.

Bình Dương mong muốn Sớm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị để có định hướng, cơ chế đặc thù để vùng tận dụng các cơ hội sẵn có sớm hướng đến những mục tiêu, định hướng rõ ràng đã được Bộ Chính trị đặt ra. Nhằm thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng “Tiểu vùng trung tâm gồm TP Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao, giáo dục - đào tạo, y tế và đầu mối giao thương với quốc tế”, Bình Dương đã xây dựng đề án chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp hiện hữu trên địa bàn các huyện phía Nam của tỉnh lên các huyện phía Bắc tạo không gian mới cho phát triển tiểu vùng trung tâm của vùng. Tỉnh mong muốn bổ sung cơ chế, nguồn lực để địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư dịch chuyển và chuyển đổi công năng đúng theo định hướng đề ra.

LONG GIANG