Năm 2021, Đoàn bay 919 (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa quản lý, cung cấp người lái máy bay, trực tiếp tham gia các hoạt động khai thác bay, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các trung tâm huấn luyện phải đóng cửa, công tác đào tạo, huấn luyện phi công cũng có những đổi mới để phù hợp với tình hình. Theo ông Bùi Thái Sơn, Phó đoàn trưởng phụ trách công tác huấn luyện-khai thác của Đoàn bay 919, ngay từ đầu năm 2020, Đoàn bay 919 đã nhanh chóng triển khai công tác huấn luyện trong tình hình mới; lập ra nhiều kịch bản, kể cả phương án không mong muốn nhất khi các hoạt động bay phải đóng băng hoàn toàn để hạn chế nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Hệ thống hồ sơ của toàn thể lực lượng phi công được quản lý, thống kê, đánh giá và kiểm soát thời hạn năng định, chứng chỉ để bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về huấn luyện định kỳ của quy chế an toàn hàng không.
Trong thời gian qua, căn cứ nhu cầu và sản lượng giờ bay, phi công được phân bay theo giờ với mức nhất định để đáp ứng yêu cầu khai thác và duy trì năng định, chứng chỉ. Đồng thời, để khắc phục tình trạng một số khóa huấn luyện tập trung phải tạm dừng, giãn tiến độ, Đoàn bay 919 phối hợp với trung tâm huấn luyện tổ chức huấn luyện định kỳ lý thuyết các môn an toàn khai thác trên hệ thống E-learning (đào tạo trực tuyến); kiểm tra sát hạch trình độ tiếng Anh cho phi công theo hình thức trực tuyến...
Vào một số thời điểm, do yêu cầu phòng, chống dịch, hầu như các loại hình huấn luyện phi công khác phải tạm dừng, chỉ duy trì tối thiểu huấn luyện trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM) định kỳ. Anh Nguyễn Thanh Tùng, Cơ phó đội bay A350 (Đoàn bay 919) chia sẻ, dù trong hoàn cảnh nào, công tác an toàn khai thác bay phải bảo đảm yêu cầu liên tục, không bao giờ có khái niệm tạm dừng. Đào tạo, huấn luyện phi công định kỳ, thường xuyên chính là xương sống của việc bảo đảm an toàn khai thác hàng không. Khi trung tâm huấn luyện SIM định kỳ tạm đóng cửa, Đoàn bay 919 đã triển khai một số loại hình huấn luyện online tương đương, thay thế tạm thời để phi công vẫn được tiếp tục rèn luyện, trau dồi kiến thức và năng lực.
Các nội dung huấn luyện cho phi công trong các giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch vẫn được duy trì liên tục cả về chất lượng và số lượng. Tại Đoàn bay 919, 100% phi công thực hiện kiểm tra huấn luyện SIM định kỳ đạt chất lượng; duy trì 100% quân số tham gia các nội dung huấn luyện qua hình thức xác nhận...
 |
Đào tạo phi công dân dụng trong buồng lái mô phỏng. Ảnh: NGỌC QUỲNH |
Để đáp ứng nguồn lực ngay khi thị trường hàng không hồi phục, ông Bùi Thái Sơn cho biết: “Mặc dù công tác huấn luyện, đào tạo phi công bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với sự năng động, sáng tạo vượt khó, chúng tôi vẫn sẵn sàng đáp ứng nguồn lực trong mọi tình huống khai thác và cung cấp lực lượng cho ngành hàng không”. Tuân thủ quy định và thực hiện chỉ đạo từ Cục Hàng không Việt Nam, trước khi quay trở lại trạng thái khai thác bình thường, phi công sau khi được huấn luyện phục hồi hoặc gia hạn phải thực hiện bay tối thiểu 3 chặng bay dưới sự giám sát của giáo viên bay hoặc giáo viên kiểm tra bay.
Căn cứ vào điều kiện khai thác cụ thể, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đánh giá, phân loại năng lực phi công theo vị trí công việc. Việc nghiên cứu, bổ sung quy trình bố trí, sắp xếp tổ bay thực hiện nhiệm vụ có tính đến yếu tố kinh nghiệm. Cụ thể, phi công nhiều kinh nghiệm sẽ khai thác cùng phi công ít kinh nghiệm; phi công ít giãn cách (đã thực hiện nhiệm vụ bay trong vòng 30 ngày trước đó) khai thác bay cùng phi công bị giãn cách khai thác (không thực hiện nhiệm vụ trong vòng 30 ngày trước đó). Hiện nay, phi công và người lao động tuyến đầu của ngành hàng không đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Ông Bùi Thái Sơn chia sẻ niềm tự hào về những đóng góp của đội ngũ phi công, đặc biệt, đã chung sức, đồng lòng, san sẻ khó khăn, cùng gánh vác thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân hồi hương, chở các đoàn y, bác sĩ cũng như lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; vận chuyển vaccine, trang thiết bị y tế và thực hiện các chuyến bay đặc biệt, bay chuyên cơ phục vụ các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Lực lượng phi công đã góp phần quan trọng bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả các chuyến bay. Đối mặt với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đội ngũ phi công nói riêng và ngành hàng không nói chung sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, vượt qua thách thức, giữ vững và nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo. Đây là nền tảng hàng đầu, sẵn sàng các điều kiện tốt nhất cho giai đoạn phục hồi và phát triển của ngành hàng không Việt Nam.
MẠNH HƯNG