QĐND - Ngày 15-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Đại đa số các đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của một số vấn đề trong dự thảo bộ luật.

Tòa án có được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự?

Trung tướng Trần Văn Độ, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang và nhiều đại biểu Quốc hội khác nhất trí với dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) (sửa đổi) về việc bổ sung quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng, quy định như vậy là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp, thể hiện rõ việc tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây là tư tưởng tiến bộ, là bước tiến mới trong xây dựng BLTTDS (sửa đổi).

Trung tướng Trần Văn Độ, đại biểu Quốc hội đoàn An Giang  phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Thông tin thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Qua lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, tuyệt đại đa số ý kiến các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố, các tầng lớp nhân dân ủng hộ quy định“Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp. Sứ mệnh của tòa án là nơi bảo vệ công lý trong quan hệ dân sự, kinh doanh. Nội dung này cũng phù hợp với Bộ luật Dân sự hiện hành, trong đó quy định: Nếu pháp luật không có quy định thì tòa án áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc đưa quy định này vào trong bộ luật.

Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định), Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu, chỉ sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cần thiết, làm rõ lý do của việc sửa đổi, bổ sung; khắc phục được những bất cập, tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử các loại án dân sự hiện nay ở nước ta. Vấn đề nào không thật sự cần thiết thì sẽ không sửa để tránh gây khó khăn cho tòa án và người dân trong thực thi pháp luật.

Vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự?

Đây là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội trong dự án bộ luật. Đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án 1 của dự thảo bộ luật, theo đó Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng hoặc có đương sự là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Nhưng cũng còn ý kiến còn cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần có phân tích, tổng kết thực tiễn rõ ràng, cụ thể hơn về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự để đại biểu có cơ sở lựa chọn phương án tối ưu nhất. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như Bộ luật hiện hành về phạm vi và phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

Theo đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên), Phạm Văn Hà (Nghệ An), việc quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự cần xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013: “Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân (Điều 4); nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Điều 27). Trong tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan công tố mà chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, trong tố tụng dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng mà là cơ quan tham gia tố tụng.

Trái với quan điểm nói trên, một số đại biểu lại đề nghị dự thảo bộ luật cần theo phương án 2: Giữ nguyên quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự về phạm vi và phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự

Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng, đây là nguyên tắc rất quan trọng, cần thiết phải quy định cụ thể trong BLTTDS (sửa đổi) và cho rằng, nguyên tắc tranh tụng đã được thể hiện tương đối đầy đủ, rõ ràng trong dự thảo bộ luật, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, phù hợp Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thể hiện được sự kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng. Đồng thời, nhất trí với quan điểm mọi tài liệu, chứng cứ được xem xét công khai và quyết định của tòa án dựa vào kết quả tranh tụng, đề nghị hạn chế dần quyền thu thập chứng cứ của tòa án, tăng quyền thu thập chứng cứ của đương sự, quyền tự chứng minh của đương sự, bảo đảm phiên tòa thực sự khách quan.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị cần làm rõ tranh tụng trong xét xử hay tranh tụng tại phiên tòa, hình thức tranh tụng như thế nào, làm rõ vị trí của những người tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án để bảo đảm tính khả thi của bộ luật. Nhiều đại biểu đề nghị nguyên tắc tranh tụng phải thể hiện ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc vụ việc. Có đại biểu lại đề nghị tranh tụng phải bắt đầu từ khi xét xử sơ thẩm.

 Ngày 16-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tập trung tại hội trường.

ĐỖ PHÚ THỌ