Để đạt được mục tiêu này thì mỗi tỉnh, thành phố ven biển phải là những địa phương mạnh về biển, giàu có, thịnh vượng từ biển và phát triển bền vững, tạo thành sức mạnh tổng hợp để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường.
Tập trung hoàn thiện hạ tầng phục vụ kinh tế biển
Như chúng tôi đã đề cập ở những bài viết trước, có rất nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững kinh tế biển ở Bạc Liêu mà trong đó có những khoảng trống về cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn phát triển và không ít những rào cản, điểm nghẽn xuất phát từ nội tại nền kinh tế của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là trung tâm công nghiệp tôm cả nước; là trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và là trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long thì cần giải quyết một cách căn cơ, triệt để những vấn đề này. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế biển.
 |
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm.
|
Không khó để nhận thấy, khó khăn lớn nhất của Bạc Liêu là thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển. Từ khó khăn này đã kéo theo rất nhiều trở lực khác làm "kìm chân" kinh tế biển, trong đó, lực cản lớn nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa thiếu, vừa yếu và không đồng bộ. Bạc Liêu là tỉnh giáp với đất mũi Cà Mau, ở gần cuối đất nước nên vừa xa các trung tâm kinh tế-chính trị lớn, vừa khó kết nối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, với đặc thù vị trí địa lý như trên, Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông liên kết vùng, như: Đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và Bạc Liêu-Hà Tiên, đường ven biển (DPO) và các tuyến tỉnh lộ kết nối với Đường Hồ Chí Minh...
Khi hệ thống đường cao tốc hoàn thiện và giao thông nội tỉnh kết nối đồng bộ sẽ tạo cú huých lớn cho Bạc Liêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng; kết nối nhanh chóng với các tỉnh trong vùng và các vùng trọng điểm về kinh tế như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ... Bên cạnh đó, để kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phục vụ cho phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu thì cần nhanh chóng phối hợp với các tỉnh lân cận đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu; các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, kiểm soát xâm nhập mặn phục vụ sản xuất.
Cũng từ những khó khăn về nguồn lực đầu tư, hạ tầng yếu kém nên nhiều tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển của Bạc Liêu còn đang bị bỏ ngỏ. Để giải quyết bài toán này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng một hệ thống chính sách ưu đãi mang tính dài hạn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch ven biển, cảng cá, cảng biển nước sâu...
Đây là những ngành, lĩnh vực không chỉ có tiềm năng lớn mà khi được khai thác sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. Ví như nếu được đầu tư xây dựng cảng biển sẽ mở ra hướng phát triển đường thủy nội địa, kết nối với các cảng trong khu vực là Hòn Khoai, Năm Căn, Trần Đề, từ đó kết nối với những khu kinh tế biển ở khu vực phía Nam để hình thành cảng trung chuyển ven biển trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tại Bạc Liêu hiện vẫn có cảng biển nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào du lịch ven biển.
Thay đổi tư duy, cách làm để ngành tôm bứt tốc
Nhìn chung, thế mạnh lớn nhất của Bạc Liêu trong phát triển kinh tế biển vẫn là nuôi trồng thủy sản, trong đó ngành tôm là chủ lực. Qua khảo sát cho thấy, mặc dù quy mô và sản lượng nuôi trồng tôm ở Bạc Liêu hiện đứng thứ hai cả nước sau Cà Mau nhưng xét một cách tổng thể, kết cấu hạ tầng để phát triển ngành tôm vẫn còn khá nghèo nàn và thiếu đồng bộ, chưa có quy hoạch rõ ràng.
Để đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành tôm cả nước thì còn rất nhiều việc cần phải triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ, mà ưu tiên hàng đầu là phải có quy hoạch rõ ràng về vùng sản xuất nguyên liệu, từ sản xuất tôm giống đến sản xuất tôm thương phẩm và gắn kết chặt chẽ với khâu chế biến, tiêu thụ.
Thông qua quy hoạch vùng nguyên liệu để thu hút có chọn lọc các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí, tiêu chuẩn. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ đầu mối thủy sản) một cách đồng bộ, hiện đại, bảo đảm môi trường sinh thái tại những vùng quy hoạch nguyên liệu. Nhất là hiện nay, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh là rất lớn nên việc quy hoạch vùng nguyên liệu là hết sức quan trọng.
Hiện nay, ngành tôm ở Bạc Liêu xác định nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một trong những hướng phát triển chính. Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tỉnh Bạc Liêu cần ứng dụng rộng rãi các mô hình nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (ASC, MSC, GlobalGAP...) vào các vùng nuôi trồng tôm ứng dụng CNC để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng. Vùng nuôi trồng tôm ứng dụng CNC cần được quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, tỉnh cần quy hoạch các cụm, khu công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản ở địa phương bảo đảm chất lượng, an toàn và phải xây dựng được thương hiệu “Tôm Bạc Liêu”, “Tôm giống Bạc Liêu”...
Nhìn từ góc độ của doanh nghiệp nuôi tôm CNC, ông Võ Văn Xuân, Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt-Úc tại Bạc Liêu cho rằng, để Bạc Liêu trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm, xây dựng được thương hiệu cho tôm Bạc Liêu thì phải hướng người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình nuôi tôm sạch, không kháng sinh. Đặc biệt, tỉnh cần có quy hoạch ngành công nghiệp tôm một cách rõ ràng hơn.
Theo đó, cần phát triển quy hoạch vùng nguyên liệu nuôi tôm theo hướng hình thành những khu công nghiệp nuôi tôm. Tại những khu công nghiệp này, các doanh nghiệp đạt đủ tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, từ ao nuôi, ao lắng, ao chứa nước thải cho đến đường dẫn nước vào, đường nước thải ra và chất lượng nước thải thì mới được vào hoạt động. Khi hình thành được các khu công nghiệp nuôi trồng như vậy, buộc người nuôi tôm phải theo quy hoạch của chính quyền thì mới bảo đảm phát triển bền vững.
Cần thêm những bước đi đột phá
Trong tất cả vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế biển ở Bạc Liêu thì nguồn lực đầu tư là bài toán vô cùng hóc búa đối với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Để từng bước giải quyết một cách căn cơ, triệt để bài toán này, trong khi ngân sách địa phương chưa thể cân đối thu-chi, ngân sách Trung ương còn hạn hẹp thì phần lớn phụ thuộc vào những bước đi đột phá, quyết sách đúng đắn của hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Theo đó, Bạc Liêu cần chủ động xây dựng một hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, “trải thảm đỏ” để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế biển, đầu tư vào vùng ven biển. Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo phương châm “đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục”. Từ kinh nghiệm trong phát triển điện gió ở Bạc Liêu cho thấy, khi có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế biển đầu tư vào tỉnh, đây sẽ là những "đầu tàu" kinh tế đủ mạnh để kéo các "toa tàu" khác phát triển theo, từ đó tạo sức bật cho kinh tế biển của tỉnh phát triển.
Cụ thể, với lĩnh vực du lịch biển, khi có tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái thì địa phương không những được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp đầu tư xây dựng mà các ngành dịch vụ phụ trợ khác, như: Khách sạn, nhà hàng, du lịch theo tua, tuyến... cũng phát triển theo. Hay như với lĩnh vực cảng biển, cảng cá, khi được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại, cũng đồng nghĩa sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành đánh bắt hải sản xa bờ, vận tải biển.
Khi những ngành này phát triển đủ mạnh sẽ kéo theo các ngành khác như dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, đóng tàu hay chế biến hải sản phát triển... Vấn đề đặt ra là tỉnh cần có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực này. Điều này đòi hỏi các đồng chí lãnh đạo tỉnh cần phải có tầm nhìn dài hạn, quyết sách đúng đắn, có quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
 |
Quang cảnh Trung tâm nuôi tôm công nghệ cao tại TP Bạc Liêu. Ảnh: HỮU THỌ |
Để phát triển bền vững kinh tế biển, ngoài nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng thì không thể không nhắc đến hai nguồn lực quan trọng khác, đó là khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là hai yếu tố then chốt để kinh tế biển ở Bạc Liêu phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành kinh tế biển và phát triển bền vững. Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI vừa ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18-2-2022 về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã đề cập đến vấn đề thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp CNC.
Vấn đề đặt ra là Bạc Liêu cần sớm xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học trong tỉnh; đẩy mạnh liên kết đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân bậc cao phục vụ cho các ngành kinh tế biển; đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với sử dụng. Đồng thời, tỉnh cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ rất cụ thể để giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao này, nếu không sẽ khó tránh khỏi nguy cơ chảy máu chất xám.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu cho phát triển bền vững kinh tế biển, Bạc Liêu cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản có tính ứng dụng cao nhằm ứng dụng các kết quả đạt được vào việc phát triển kinh tế ven biển. Tăng cường liên kết với các cơ sở khoa học công nghệ trong vùng và cả nước để chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến phục vụ cho các ngành kinh tế biển...
THAY LỜI KẾT: Với những nội dung sâu kỹ và toàn diện, loạt bài có mong muốn phản ánh rõ nét thành tựu đạt được của Bạc Liêu sau nhiều năm kiên trì thực hiện chủ trương lấy kinh tế biển là một trong 5 trụ cột phát triển. Những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, việc lựa chọn đúng khâu đột phá của Bạc Liêu sẽ là chỉ dẫn quý báu cho các tỉnh ven biển có thể chọn lọc và áp dụng phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Bên cạnh đó, nhiều hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương để Bạc Liêu có thêm nguồn xung lực từ những cơ chế, chính sách mới; qua đó thúc đẩy kinh tế biển tăng tốc, phát triển bền vững, để Bạc Liêu thật sự mạnh về biển, giàu có và thịnh vượng từ biển.
BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN